Tiếp tục phát huy cơ đồ Việt Nam

02/08/2024 - 08:35

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù đã đi xa nhưng để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta những di sản quý giá, trong đó có nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội).

Thành tựu qua gần 40 năm đổi mới là minh chứng sống động, thuyết phục cho nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, thể hiện rõ nét qua các trụ cột phát triển.

Với quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cả nước tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Qua gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.300 USD, tăng gần 60 lần so năm 1986; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so năm 1986. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 681 tỷ USD, xuất siêu 8 năm liên tiếp, thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới...

Với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn...


Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 (ngày 19/12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Thực tế cho thấy, từ một nước bị bao vây, cấm vận kéo dài trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước G20. Đồng thời, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn.

Những thành tựu trên đã khẳng định tính đúng đắn của trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, tập trung chỉ đạo và dày công vun đắp. Cùng với đó, chính sách đối ngoại quốc phòng theo tư tưởng ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là kế sách quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Thời gian qua, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện nhất quán chủ trương không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP26 và sớm tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cả nước tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; kéo tỷ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993) xuống còn 2,93% (năm 2023). Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao và coi là hình mẫu thành công về xóa đói, giảm nghèo của các nước đang phát triển.

Trong dòng chảy phát triển của cả nước, An Giang cũng có nhiều đột phá đi đầu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nỗ lực từ một tỉnh đói ăn, nhận trợ cấp lương thực của Trung ương trở thành địa phương có sản lượng lúa và xuất khẩu gạo hàng đầu cả nước; khai thác hiệu quả 2 mũi nhọn kinh tế là nông nghiệp và du lịch. Trong định hướng phát triển, tỉnh luôn đảm bảo cân bằng 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Năm 2024, tỉnh chọn chuyên đề “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân” trong triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. An Giang được xem là điểm sáng của cả nước về thực hiện an sinh xã hội, địa phương đầu tiên thực hiện xã hội hóa trang bị xe chuyển bệnh miễn phí tại tất cả các xã, phường, thị trấn. 

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 40 năm qua khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, càng củng cố cho nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; phản bác các luận điệu xuyên tạc, cho rằng “Việt Nam báo cáo kết quả tăng trưởng ảo”, “Người dân không được hưởng thành tựu tăng trưởng, còn nghèo nàn, lạc hậu”...

Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tiếp nối những nỗ lực, đóng góp, cống hiến và noi theo tấm gương sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các thế hệ hôm nay và mai sau hãy phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” và những thành tựu đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững và phát huy hơn nữa cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

N.H