Tiếp tục thực hiện đề tài hiện đại hóa bài thuốc thoái hóa cột sống và bài thuốc gia truyền hỗ trợ điều trị chứng viêm xoang

19/10/2021 - 05:11

 - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang vừa tổ chức Hội đồng KH&CN tư vấn xét duyệt hồ sơ thuyết minh giai đoạn 2 cho 2 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh: Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung và hiện đại hóa bài thuốc gia truyền hỗ trợ điều trị chứng viêm xoang của bà Hồ Kim Phượng.

Đề tài nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung (giai đoạn 2) do TS Nguyễn Đức Hạnh (giảng viên Bộ môn Bào chế, Khoa Dược - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm, thực hiện 24 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 1-2022.

Mục tiêu đề tài nhằm nghiên cứu sản xuất thuốc bột chứa cao chiết từ bài thuốc điều trị thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung. Cụ thể, chiết xuất và kiểm nghiệm nguyên liệu cao khô sấy phun từ bài thuốc. Xây dựng công thức và quy trình điều chế thuốc bột chứa cao khô sấy phun bài thuốc quy mô phòng thí nghiệm. Xây dựng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở và khảo sát độ ổn định thuốc bột trên quy mô 1.000 gói. Đề xuất giải pháp lưu giữ, bảo tồn và phát triển dược liệu chính có trong bài thuốc và có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất thương mại. Đào tạo, nâng cao năng lực (nông dân, cán bộ kỹ thuật, cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp…) về quy trình trồng, khai thác, bảo quản và sơ chế dược liệu chính và quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn xét duyệt hồ sơ thuyết minh giai đoạn 2 - đề tài nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung

Bài thuốc hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống đã được sử dụng điều trị hiệu quả cho trên 200 bệnh nhân huyện Tịnh Biên. Đề tài đã thực hiện các bước nghiên cứu từ giai đoạn xây dựng phương pháp chế biến, bảo quản và tiêu chuẩn hóa các nguyên liệu của bài thuốc, đến giai đoạn nghiên cứu xây dựng quy trình chiết xuất loại cao chiết phù hợp từ bài thuốc. Từ đó, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cao chiết và đánh giá độc tính, tác dụng dược lý của cao chiết từ bài thuốc.

 Sở KH&CN An Giang cho biết, đề tài nghiên cứu giai đoạn 1 đã xây dựng phương pháp chế biến 13 dược liệu của bài thuốc với các giai đoạn thu hái, rửa sạch, chia nhỏ, sấy khô và đóng gói theo hướng dẫn của lương y Nguyễn Thiện Chung.

Bệnh thoái hóa cột sống ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, một chế phẩm thuốc sản xuất từ nguyên liệu thuốc nam có hiệu quả điều trị, độ an toàn cao sẽ là một lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, phù hợp với xu hướng quay về với thuốc điều trị có nguồn gốc thiên nhiên hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Việc hiện đại hóa một bài thuốc có nguồn gốc hoàn toàn từ thuốc nam, đặc biệt lại là những cây thuốc nam trồng tại An Giang, sẽ tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu An Giang, giúp phát triển kinh tế của An Giang.

Đối với đề tài Hiện đại hóa bài thuốc gia truyền hỗ trợ điều trị chứng viêm xoang của bà Hồ Kim Phượng (giai đoạn 2) do ThS Lê Thanh Thảo (Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang) làm chủ nhiệm, thực hiện 24 tháng (từ tháng 12-2021 đến 12-2023).

Mục tiêu nhằm nghiên cứu, chế biến sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị viêm xoang từ bài thuốc gia truyền của bà Hồ Kim Phượng, sử dụng nguồn dược liệu tỉnh An Giang. Mục tiêu cụ thể là xây dựng công thức và quy trình sản xuất viên nang từ bài thuốc gia truyền của bà Hồ Kim Phượng có tính an toàn và một số tác dụng dược lý thực nghiệm có thể ứng dụng trong điều trị bệnh viêm xoang quy mô công nghiệp. Đào tạo, nâng cao năng lực về quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm. Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hướng đến phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.

Hiện nay, để điều trị bệnh viêm xoang có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh, các thuốc làm loãng dịch tiết hoặc sử dụng corticoid và các thuốc trong nhóm kháng histamine. Tuy nhiên, khi sử dụng các sản phẩm để điều trị bệnh viêm xoang, bệnh nhân thường dễ bị bệnh trở lại. Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh, như: sử dụng thuốc, phẫu thuật… tuy đã được chứng minh lâm sàng có hiệu quả phần nào trong việc cải thiện tình trạng bệnh nhưng lại có nhược điểm là đắt tiền, đòi hỏi kỹ thuật cao, khó tuân thủ điều trị. Chính vì thế, nếu nghiên cứu thành công, đề tài này sẽ tạo ra các chế phẩm đạt chất lượng, an toàn, có hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân bị viêm xoang… Hơn thế nữa, sản phẩm góp phần phát triển nguồn tài nguyên dược liệu địa phương, cải thiện đời sống người dân.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU