Tìm chốn an yên

02/05/2023 - 08:29

 - Theo guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều người cảm thấy áp lực, mệt mỏi với công việc và cuộc sống. Do đó, họ cố gắng tìm chốn an yên để tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, buông bỏ những muộn phiền và tái tạo năng lượng cho chặng đường tiếp theo.

Những ngày này, vài cơn mưa đầu mùa mang theo mấy đám mây về giăng trên triền núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên). Lúc ấy, khung cảnh núi rừng chìm vào mơ mộng, rũ bỏ những ngày khô khốc trong cái nắng hạ hanh hao. Đó cũng là thời điểm du khách tìm về với non cao, để tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, trầm lắng.

Anh Lê Gia Giang (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) cho biết: “Sau mỗi cơn mưa là thời điểm núi Cấm xuất hiện mây. Lên núi thời điểm này, du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh mây trôi trên những tán cây rừng. Nhiều người không chọn mùa hành hương, mà họ đợi sang mùa mưa mới chinh phục đỉnh non cao. Khi đó, du khách thực sự muốn tìm đến cảm giác an yên, thư thái với bức tranh núi rừng trầm mặc, nên thơ. Sống ở núi Cấm nhiều năm, tôi vẫn thấy khung cảnh nơi này rất đẹp. Vì thiên nhiên giữa mùa mưa và mùa khô ở đây rất khác biệt, nên tạo cho người dân những điều kiện sinh kế khác nhau”.

Khung cảnh thơ mộng trên núi Cấm những ngày mây phủ. Ảnh: Thanh Tiến

Theo anh Giang, đa phần du khách đều cảm thấy thích thú khi được chứng kiến cảnh mây giăng núi rừng, hòa với cảm giác mát lạnh qua làn sương khói mờ ảo. Trước khung cảnh ấy, mọi người đều cảm thấy lòng nhẹ nhàng, lắng đọng cảm giác an lành và quên đi muộn phiền của cuộc sống. Ngoài ra, du khách lên núi Cấm vào mùa mưa sẽ chọn phương án nghỉ lại qua đêm, bởi bình minh trên đỉnh Thiên Cấm Sơn là thời khắc vô cùng ấn tượng.

Có đến núi Cấm vào những ngày mưa, mới thấy được nơi này có cái chất riêng, không trộn lẫn với bất cứ đâu ở vùng ĐBSCL. Ban ngày, du khách có thể tham quan khu trung tâm hành hương tại hồ Thủy Liêm, ngắm mặt nước trong veo soi bóng nụ cười của đức Phật Di Lặc từ bi, hoặc đến bất kỳ điểm tâm linh nào trên núi. Đêm đến, họ sẽ được sống trong không khí mát lành của thiên nhiên vùng cao, một thứ “đặc sản” có một không hai ở đồng bằng châu thổ Cửu Long.

Với những người ưa khám phá, núi Cấm là nơi luôn có những bất ngờ, nhất là những góc nhìn thơ mộng xuống đồng bằng bên dưới. Có lần, theo chân anh bạn “thổ địa” trên núi chinh phục non cao, tôi được tiếp cận góc nhìn vô cùng đẹp mắt. Từ vị trí đó, có thể phóng tầm mắt sang tận huyện Tri Tôn, ngắm nhìn cánh đồng thốt nốt bao la và những mảng lúa vàng, xanh xen kẽ. Gió núi thổi qua làm mát rượi lòng người, khiến cho khách bộ hành quên đi mệt nhọc sau chặng đường ngược dốc. Đứng trước thiên nhiên, người ta như mở lòng ra để tìm về chính mình, nhận ra bản thân cần làm gì, phải làm gì và sống lạc quan hơn.

“Là người An Giang, tôi thường sắp xếp thời gian đến núi Cấm khi thuận tiện để tham quan cảnh vật, có khi còn nghỉ lại qua đêm. Đây là lúc mình tạm quên đi áp lực để tái tạo năng lượng cho chặng đường tiếp theo. Nhiều người chọn các điểm đến ngoài tỉnh, nhưng mục tiêu của tôi là tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng nên chẳng cần đi đâu xa. Ngoài việc lên núi Cấm, tôi cũng hay đến các điểm chùa tại TP. Châu Đốc để lễ Phật, nghe kinh. Những lúc ấy, tôi cảm thấy bình yên để đối mặt với những khó khăn đang chờ phía trước”- chị Mai Lan (người dân TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Du khách tìm đến sự an yên với núi rừng mây phủ. Ảnh: Dương Việt Anh

Khá nhiều người chọn phương án đến chùa để tìm đến cảm giác an yên, tự tại như chị Mai Lan. Tại TP. Châu Đốc, nhiều điểm chùa trở nên đông đúc vào dịp cuối tuần, như: Chùa Phước Điền (chùa Hang), chùa Huỳnh Đạo, Bồ Đề Đạo Tràng… Nhiều người tìm đến cửa Phật ngoài việc cầu nguyện những điều tốt lành, còn mong muốn tìm lại bản thân mình trong tiếng kệ, lời kinh.

Với người không thể đi xa, họ hay đến Bồ Đề Đạo Tràng, ngồi dưới bóng mát của cội cây già và lắng nghe cuộc sống trôi đi chầm chậm, mặc cho ngoài kia là dòng đời hối hả, bon chen. Dù tọa lạc ở trung tâm thành phố trẻ, nhưng Bồ Đề Đạo Tràng vẫn chứa đựng không gian tĩnh lặng, trầm mặc và uy nghiêm của nhà Phật. Do đó, có rất đông người đến đây mỗi ngày. Họ có thể là người kinh doanh, là người trí thức hay dân lao động, nhưng tất cả đều có cùng mong muốn tìm về với sự an lành trong lòng mình, để có thêm động lực cho những tháng ngày phía trước.

Theo sự phát triển của xã hội, cuộc sống sẽ ngày càng hối hả khiến mỗi người phải đối diện với rất nhiều áp lực. Do đó, việc tìm đến chốn an yên để sống nhẹ nhàng là xu hướng dần phổ biến, giúp con người hiện đại cân bằng được cảm xúc của mình. Có sống chậm, nghĩ sâu, người ta mới thấy trân quý những điều mình đang có và nhận ra chân lý: “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

MINH QUÂN

 

Liên kết hữu ích