Tín hiệu mạnh tay của Fed, giá vàng vừa hồi sức lập tức đối diện áp lực mới

24/07/2022 - 19:22

Kết thúc chuỗi 5 tuần giảm giá, các nhà phân tích vẫn đang lo ngại rằng vàng đang đối mặt với thách thức mới từ Fed trong tuần tới.

Ngày cuối cùng trong tuần, giá vàng ghi nhận phiên tăng mạnh, từ mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 là 1.680 USD/ounce lên mức 1.733 USD/ounce, tương đương tăng 3,1%. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 kết thúc tuần với mức tăng hơn 1%, giao dịch lần cuối ở mức 1.721,40 USD/ounce.

Tuy nhiên, niềm vui với các nhà đầu tư chưa được bao lâu thì mọi rủi ro đối với vàng đang đổ dồn vào kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Một số nhà phân tích tiền tệ cho rằng, vàng có thể sẽ gặp bất lợi khi đợt tăng lãi suất vào tuần tới của Fed dự kiến ưu tiên hỗ trợ cho đồng bạc xanh.

 Vàng vừa tăng giá đã đối diện áp lực mới. Ảnh: Nam Khánh

Các nhà kinh tế tại Capital Economics nhận xét trong một báo cáo hôm thứ Sáu tuần trước: "Trong bối cảnh Fed không ngừng đẩy mạnh lãi suất và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chúng tôi nghĩ rằng USD sẽ tiếp tục được nhiều hỗ trợ, vàng khó có thể tăng giá".

Ngược lại, theo Marc Chandler, giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, giá vàng có khả năng tăng cao hơn vào tuần tới, quyết định của ngân hàng trung ương có thể hạn chế mức tăng của đồng USD. "Tôi tưởng tượng vàng tăng nhẹ trong phạm vi khoảng 1.750 USD/ounce", Marc Chandler nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, chu kỳ thắt chặt của Fed ít tác động hơn đến USD và thị trường tài chính. Các nhà phân tích tiền tệ tại TD Securities đánh giá, quyết định hôm thứ Tư tuần tới mang tính trung lập hơn đối với đồng bạc xanh vì thị trường đang định hình được giá của đồng USD.

Đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái, một số chuyên gia nhận định Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt của mình, điều này sẽ thúc đẩy vàng tăng giá.

"Giá vàng tăng do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, điều đó đang đặt ra kỳ vọng tăng lãi suất đối với tất cả các ngân hàng trung ương lớn. Vàng được coi như một nơi trú ẩn an toàn khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải từ bỏ kế hoạch thắt chặt lãi suất. Vàng có thể tìm thấy ngưỡng kháng cự ở mức 1.750 USD/ounce, nhưng nếu không có nhiều cản trở có thể lên tới 1.800 USD/ounce", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho hay. 

Dữ liệu sơ bộ từ S&P Global Market Intelligence cho thấy, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm. Hoạt động sụt giảm phản ánh sự suy yếu tương tự ở châu Âu.

"Thị trường đang cảm nhận rằng chu kỳ tăng lãi suất sẽ kết thúc sớm hơn do tốc độ tăng trưởng chậm lại. PMI dịch vụ của Mỹ hôm thứ Sáu giảm đáng kinh ngạc, điều đó có nghĩa Fed sẽ cân nhắc mức tăng tổng lãi suât lên 3% và có khả năng bắt cắt giảm vào năm 2023" - Adam Button, trưởng chiến lược gia tiền tệ tại Forexlive.com, dự báo vàng sẽ tăng do đồng USD suy yếu.

Thứ Năm tuần tới, các thị trường sẽ hồi hộp chờ xem liệu Mỹ có rơi vào suy thoái kỹ thuật hay không sau khi công bố kết quả đầu tiên về GDP quý II. Nhiều nhà kinh tế đã bác bỏ quan điểm rằng, tăng trưởng suy yếu trong quý I là do sự mất cân bằng thương mại. Tuy nhiên, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Atlanta cho thấy khả năng GDP giảm 1,6%, phù hợp với mức giảm trong quý đầu tiên.

Tuần trước, Ngân hàng Bank of America cho rằng Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm.

Theo Vietnamnet