Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - điểm đến thu hút du khách đông nhất
Tiềm năng dồi dào
An Giang là vùng đất duy nhất của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có núi giữa đồng bằng, sở hữu các giá trị tài nguyên DL văn hóa có tính hấp dẫn cao, gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc, như: Kinh, Khmer, Chăm và Hoa sinh sống lâu đời. An Giang còn là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN, như: Campuchia, Lào và Thái Lan.
Nhiều giá trị văn hóa của tỉnh nổi bật so với các địa phương khác trong vùng, như: Tín ngưỡng thờ mẫu - Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc); nền văn hóa cổ đại Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn); Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên); Khu di tích lịch sử Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn).
Ngoài những tài nguyên DL văn hóa, An Giang còn có lợi thế về phát triển DL sinh thái, đặc trưng là loại hình DL sông nước và DL nông nghiệp. Có nhiều điểm DL sinh thái, như: Rừng tràm Trà Sư (mô hình rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu), chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng và các điểm tham quan thuộc dãy Thất Sơn... là những điểm DL nổi tiếng của tỉnh hấp dẫn du khách gần xa.
Bên cạnh đó, An Giang có nhiều sản phẩm, quà tặng lưu niệm đa dạng phong phú dành cho du khách. Từ các sản phẩm gắn với các làng nghề truyền thống, như: Dệt Uzu, lụa Tân Châu, thổ cẩm Chăm, thổ cẩm Khmer, tranh lá thốt nốt… đến các sản phẩm, đặc sản ẩm thực, như: Mắm, khô, đường thốt nốt, bánh bò Chăm, tung - lò - mò (lạp xưởng bò của người Chăm)…
Du khách mua đặc sản
Phục hồi mạnh mẽ
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, quý I/2023, ngành DL tỉnh nhà có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ so cùng kỳ năm 2022. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các khu, điểm DL và trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chuẩn bị chu đáo để đón khách DL. Chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ các khu, điểm DL, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường DL, phòng, chống biến thể mới của dịch COVID-19...
Đến hết quý I/2023, toàn tỉnh đón 4 triệu lượt khách tham quan, DL (tăng 60% so cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm 2023). Trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 20 lần so cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm). Tổng doanh thu từ hoạt động DL trong quý I/2023 ước đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 79% so cùng kỳ và đạt 45% kế hoạch năm).
“Kết quả trên là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của DL An Giang, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh trong giai đoạn tới. Với những kết quả này, chúng ta có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của DL An Giang để bước vào giai đoạn phát triển DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định, gắn phát triển DL với phát triển nông nghiệp, văn hóa, giải trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành DL tỉnh nhà, như: Việc phát triển DL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa - lịch sử của tỉnh. Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ DL để thuận lợi cho du khách còn hạn chế. Mức chi tiêu của du khách hàng năm tăng chậm; du khách chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú)… Mặt khác, nhu cầu của du khách liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo...
Tăng cường liên kết
Trước nhu cầu khách DL tăng cao trong thời gian tới, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển DL cụm phía Tây ĐBSCL năm 2023; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành DL và các cơ sở hoạt động DL. Khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm DL, gắn hoạt động DL với tuyên truyền văn hóa, truyền thống người An Giang và các hoạt động sinh thái; phát triển các tour, tuyến DL, hoạt động thương mại, dịch vụ kết hợp để giữ du khách; thay đổi tư duy làm DL từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển DL bền vững, thân thiện với môi trường.
Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện. Các tuyến đường liên kết liên vùng, liên huyện, đặc biệt tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được đầu tư xây dựng, sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng.
Bên cạnh đó, hạ tầng DL, khu vui chơi, giải trí của tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, góp phần tăng trưởng ngành DL và dịch vụ. Khi Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, cùng với định hướng của Quy hoạch vùng ĐBSCL, dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tầm nhìn mới cho các nhà đầu tư, DN trên địa bàn tỉnh và toàn vùng.
Quý II/2023, ngành DL An Giang triển khai nội dung hợp tác với các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh về: Đầu tư vào các khu DL trọng điểm của tỉnh, kết nối và phát triển các sản phẩm DL. Tăng cường liên kết vùng trong hoạt động DL; triển khai chương trình kích cầu DL nội địa, tập trung vào kỳ nghỉ hè và dịp lễ 30/4, 1/5.
Đẩy mạnh kết nối thị trường nội địa và quốc tế, giữa DN với DN, người làm DL và cơ quan truyền thông. Tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu DL An Giang theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành DL” và “sản phẩm DL đặc trưng, độc đáo” nhằm thúc đẩy DL An Giang phát triển.
THU THẢO