Ngày 13-9, thị trấn Phú Mỹ xuất hiện các ca bệnh COVID-19, trong số đó có một người khuyết tật, anh Nguyễn Vũ Linh đã tình nguyện theo vào khu điều trị tầng 2 của Trung tâm Y tế huyện Phú Tân chăm sóc. Không quan hệ bà con họ hàng, nhưng anh chạnh lòng khi nghĩ bệnh nhân nhiễm COVID-19 là những bệnh nhân đặc biệt, không có thân nhân nuôi, nhiều người già yếu, vậy là tình nguyện giúp họ.
Anh Linh xem người bệnh như người thân của mình để đối đãi, có lúc kè đi, có lúc phải bồng bế để giúp sinh hoạt thuận tiện. Bệnh nhân này vừa khỏi bệnh được trở về, anh Linh phát hiện bệnh nhân khác là một cụ bà, thương cảm nên anh tình nguyện tiếp tục ở lại chăm sóc. Từ ngày có ca bệnh trong thị trấn đến nay, anh Linh ở xuyên suốt trong khu điều trị tầng 2, lo cho nhiều lượt bệnh nhân, hàng ngày lấy cơm, đút ăn, giặt đồ, giúp đỡ vệ sinh…
Mọi người khen: “Anh Linh tốt bụng lắm, ngoài nuôi dưỡng người bệnh, trong này (khu điều trị) việc nào có thể giúp được anh đều sẵn lòng”. Tình nguyện viên đặc biệt này chỉ từ tốn đáp: “Được làm công việc này trong lòng thấy rất vui, vì giúp được nhiều người trong lúc khó khăn”.
Tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện điều trị COVID-19 huyện Phú Tân
Cuối tháng 10-2021, Bệnh viện điều trị COVID-19 huyện Phú Tân chính thức vận hành, ngày đầu tiên đã tiếp nhận số bệnh nhân từ huyện Chợ Mới sang điều trị. Để hỗ trợ cho lực lượng y, bác sĩ, Huyện đoàn Phú Tân đã phát động tình nguyện viên đăng ký làm nhiệm vụ ở nhiều vị trí. Qua đó, có 14 tình nguyện viên tham gia, được tập huấn nghiệp vụ cần thiết và vào guồng công việc rất nhanh.
Trong đội hình này, nhiều bạn có ngoại hình nhỏ nhắn, chỉ mới tốt nghiệp THPT nhưng sự nhiệt huyết đều toát lên qua từng ánh mắt, hành động. Các bạn cho biết đã sẵn sàng tâm lý khi có thể gặp bất trắc, nhưng không vì vậy mà chủ quan. Bầu không khí mọi người lan tỏa cho nhau trong khu điều trị không phải là khoảng cách bác sĩ, người chăm sóc và bệnh nhân mà là người nhà, tình cảm, điều trị và động viên lẫn nhau, truyền cho nhau năng lượng tích cực.
Vừa tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Thị Huyền Trân (thị trấn Phú Mỹ) kinh doanh tự do đồ gia dụng, khẩu trang y tế, nước xịt khuẩn... Thấy dịch bệnh ở quê nhà đang căng thẳng, trong khi ở tuyến đầu, các y, bác sĩ phải làm việc cật lực nên cô gái trẻ muốn góp một phần nhỏ vào công tác chống dịch cùng địa phương. Nhiệm vụ của Trân là trực tiếp theo các y, bác sĩ chăm sóc và lo ăn uống hàng ngày cho bệnh nhân COVID-19.
“Nghe thông báo tuyển tình nguyện viên em đăng ký ngay. Thông qua truyền thông, em hiểu phần nào công việc của lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng với quyết tâm và sự vất vả, nguy cơ lây nhiễm... Tuy nhiên, em đã được y, bác sĩ hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết từng bước, như: mặc đồ bảo hộ đúng cách, đi đứng và ra vào khu điều trị như thế nào để an toàn cao nhất. Bản thân em đã được tiêm 1 mũi vaccine, những lo lắng ban đầu đều được giải tỏa, mong rằng ý nguyện góp sức cùng cộng đồng của chúng em sẽ động viên tinh thần cho mọi người lạc quan vượt qua dịch bệnh” - Huyền Trân chia sẻ.
Phó Chủ nhiệm chương trình bệnh viện tại nhà Dương Thanh Đảo cho biết, khi tập hợp được đội ngũ tình nguyện viên, bệnh viện chia thành nhiều đội, nhóm, như: hành chính, vận hành, ô-xy, bảo vệ an ninh… và tập huấn cụ thể. Ngoài ra, có rất nhiều bạn đăng ký sẵn sàng cùng với các bác sĩ vào theo ca, theo kíp để hỗ trợ nhanh nhất cho người bệnh tại nơi điều trị. “Đó là những tinh thần tình nguyện chúng tôi thấy rất tuyệt vời để các bạn có thể “chia lửa” với đội ngũ tuyến đầu phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các tình nguyện viên tiếp tục theo các y, bác sĩ và lực lượng quản lý tại đây học hỏi sâu về kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19” - ông Đảo nhấn mạnh.
Nhìn một cách tích cực, bệnh COVID-19 được xem như những căn bệnh khác, thậm chí không đến nỗi bi quan như bệnh nan y. Nhưng vì quá lo lắng, bất an, một số người dễ rơi vào tâm lý hoang mang, nhất là khi không có người thân bên cạnh. Một bệnh nhân thông thường sẽ bộc lộ khó chịu khi đau, mệt, hay biểu cảm cô đơn, tủi thân... và bệnh nhân COVID-19 cũng vậy. Chăm sóc, quan tâm, gần gũi nhiều hơn là nghĩa cử cần thiết đối với họ.
Đằng sau nỗ lực ngày đêm túc trực trong khu điều trị, thấy những bệnh nhân khỏe mạnh về nhà là niềm hạnh phúc lớn nhất chẳng gì đánh đổi được. Dù thời gian phục vụ ngắn hay dài, các tình nguyện viên cho rằng, trong thâm tâm mỗi người đã thay đổi nhiều hơn về cách nhìn nhân sinh, biết bao dung và yêu thương nhiều hơn. Với những tình nguyện viên trẻ, các bạn còn nhận ra cần sống chậm và dành nhiều tình cảm hơn cho gia đình của mình.
|
MỸ HẠNH