Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn

12/04/2025 - 14:32

Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm.

Chú thích ảnh

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tầm nhìn lâu dài

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, một lần nữa Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trong hơn 4 tháng qua, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận ở cấp Trung ương. Những con số về tinh giảm đầu mối và hiệu quả công việc cũng như tiết kiệm chi phí nêu trong các báo cáo đã thể hiện rõ tính cách mạng trong việc tinh gọn này.

Tổng Bí thư cũng đánh giá một cách tổng thể, mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện, nhất là ở địa phương. “Để tiếp tục cuộc cách mạng về tinh giản tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh và thống nhất cao trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; cùng với các Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương; Đề án về sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; các Đề án về sắp xếp các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát; và các Đề án về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành điều lệ Đảng, các quy định về kiểm tra, giám sát Đảng để bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ. Đây là vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm. Thông tin mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm được là đại đa số nhân dân, cán bộ đảng viên đều đồng tình ủng hộ, đánh giá cao chủ trương này và mong muốn sớm được triển khai thực hiện”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các Đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại đơn vị hành chính; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng Chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới. 

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (tỉnh, huyện và xã) thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Chú thích ảnh

Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Bộ Nội vụ cho biết, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh).

Theo đó, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. 

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, do quy định về ĐVHC và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Vì vậy, phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và những vấn đề phát sinh khi chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cấp thiết nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Mục tiêu xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm sửa đổi cơ bản các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (sau khi sửa đổi) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bộ, ngành trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp ĐVHC, kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp ĐVHC, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Theo V. Tôn (Báo Tin tức)