Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định chân lý này và sứ mệnh của văn hóa trong thời đại mới với nhiều thách thức cho sự tồn vong và phát triển của Đảng và chế độ.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát triển tư duy đối ngoại Việt Nam, tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “Ngoại giao cây tre”; xây dựng và phát triển nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản sắc “Ngoại giao cây tre Việt Nam” được phát huy mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn.
Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay, cũng chưa bao giờ Việt Nam lại hòa nhập sâu rộng như hiện nay vào nền kinh tế thế giới, nền chính trị quốc tế và nền văn minh nhân loại…
Nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
“Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Khi xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phải xử lý và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”, đó là “một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam”.
Cần tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Như vậy, trong mối quan hệ với kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa được xác định là một trụ cột quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Tầm nhìn về tam nông
Lãnh đạo một đất nước đi lên từ nông nghiệp và có lợi thế lớn về nông nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến sự phát triển toàn diện của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sự quan tâm được thể hiện bằng hành động khi chính Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, lần đầu tiên Đảng ta xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) hoạt động mạnh ở An Giang, Hội đồng Quản trị (HĐQT) HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) nhanh chóng nhận thấy, nghị quyết của Đảng về tam nông mở ra định hướng và cơ hội mới cho HTX.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW là bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Từ đó, HTX Nông nghiệp Phú Thạnh tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp địa phương; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính...
Nhằm ghi ơn và kế thừa tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Văn Lô Ba quyết tâm thời gian tới, HTX Nông nghiệp Phú Thạnh tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang.
Đồng thời, vận động nông dân chuyển đổi đất trồng nếp kém hiệu quả và phá bỏ vườn tạp để chuyển sang trồng cây ăn trái, bắp, đậu nành rau theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ, có nguồn gốc sinh học để thay thế cho phân vô cơ, thuốc hóa học...
Cùng với ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về phát triển tam nông, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết: “Chúng tôi phấn đấu lãnh đạo xây dựng HTX Nông nghiệp Phú Thạnh phát triển mạnh và nằm trong tốp đầu các HTX nông nghiệp trong toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát triển HTX đa ngành nghề, đa dịch vụ, với các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ, hoạt động hiệu quả, nâng cao doanh thu, tăng thu nhập và lợi ích cho thành viên”.
Niềm tiếc thương vô hạn
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là nhà lãnh đạo lỗi lạc, là nhà lý luận trí tuệ, nhà văn hóa kiệt xuất; tận trung với nước, phụng sự cách mạng và phục vụ đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang vì Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky mà sinh thời Tổng Bí thư thường nhắc: "Ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".
Hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đồng bào Chăm An Giang rất đau buồn. Ông Mách Sa Lế, Phó ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang bày tỏ, dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời trong cõi nhân sinh nhưng bà con thương tiếc bác vô cùng.
Quay ngược thời gian, ông Mách Sa Lế nhớ lại: “Đời tôi may mắn gặp được bác Nguyễn Phú Trọng 2 lần. Lần thứ nhất, vào năm 2010 tại sự kiện khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I. Lúc đó, bác làm Chủ tịch Quốc hội. Lần gặp thứ hai, tại hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Lúc này, bác Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư”.
Thật cảm động, lần nào gặp, bác Nguyễn Phú Trọng đều ân cần thăm hỏi đời sống của đồng bào dân tộc Chăm An Giang. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm việc học hành của các cháu thiếu nhi, chuyện làm ăn của bà con dân tộc. Bác là Tổng Bí thư nhưng phong cách rất giản dị, gần gũi, hòa đồng, chân tình, tôn trọng và yêu thương mọi người.
“Nhớ nhất lần thứ 2, bác Trọng vỗ vai tôi và nói: “Bác lớn tuổi rồi mà ráng ra dự hội nghị, tôi thật vui mừng. Bác về An Giang cho tôi gửi lời thăm hết bà con dân tộc Chăm của mình, chúc bà con luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Hội nghị kết thúc, bác Trọng đứng chụp hình chung cùng với chúng tôi, cảm thấy thật vinh dự và hạnh phúc” - ông Mách Sa Lế bày tỏ.
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Lê Chí Thành khẳng định, mấy năm nay, khi bàn luận về “thời thế”, “vận nước”… không chỉ lớp cán bộ có tuổi, mà nhiều bà con các tầng lớp đều đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng Bí thư tuy đã nhiều tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, thật sự là người kế thừa xuất sắc các thế hệ lãnh đạo, góp phần tạo nên vị thế mới - cao chưa từng có của đất nước ta! Đặc biệt nhất là đồng chí đã làm “chủ soái” đầy mưu trí, vô cùng bản lĩnh, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm” cực kỳ gian nan, giành được những thắng lợi vô cùng to lớn!
“Bác Hồ trong một dịp rất long trọng đã khẳng định: “Nói về người cách mạng và Đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ, Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Xin tạm dịch: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh (thí dụ: Lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ); cũng có nghĩa là sự khó khăn gian khổ.
“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng Nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân. Tôi xin mượn lời Bác Hồ để kính đưa tiễn, kính mong người “nhẹ cánh bay”… Chúc đồng chí ra đi thanh thản: Tám mươi tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh gặp Bác Hồ!” - ông Lê Chí Thành bày tỏ.
Sáng sớm, tiết trời âm u, vần vũ, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cũng là lúc gặp ông đang lật đật pha tách trà còn nóng hổi, rồi lần giở từng trang báo ra đọc. Tôi hỏi: “Ông Bảy hay tin Tổng Bí thư từ trần?”, “Đã hay hôm trước rồi! Ngày nào tôi không quan tâm đến sức khỏe của Tổng Bí thư”, ông Bảy Nhị nói với giọng trầm buồn. Ông Bảy Nhị chia sẻ niềm tiếc thương đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo gần gũi, mẫu mực, với phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì Đảng, vì dân.
Có thể khẳng định, khi tình hình đất nước khó khăn, nhiều người trong Đảng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo “nổi lên” như “trụ cột” phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Từ khi thành lập Đảng đến nay, ngoài Bác Hồ thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quyết liệt phòng, chống tham nhũng được ví như chống “giặc nội xâm”, mang lại uy tín, niềm tin của Đảng trong lòng Nhân dân. Nói nôm na là Tổng Bí thư đã xuất hiện kịp thời để “cứu dân, cứu Đảng”.
Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng về An Giang làm việc, ông Bảy Nhị có gặp mặt và bắt tay vài lần. Mặc dù, chưa một lần trò chuyện, nhưng ông Bảy Nhị cảm nhận được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người gần gũi, khiêm tốn. Đã nghỉ hưu lâu năm, nhưng ông Bảy Nhị thường xuyên xem báo để nắm bắt tình hình thời sự đang diễn ra trong nước. Do đó, ông Bảy Nhị cũng biết về tiểu sử cá nhân, gia đình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều trong sạch, liêm khiết.
“Từ xuất phát này, đồng chí Tổng Bí thư mới mạnh dạn và quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng đem lại công bằng cho xã hội. Bởi, công việc này rất gian nan, nếu không bản lĩnh, không trong sạch thì không bao giờ chống được tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên dấu ấn lớn trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thuyết phục được Nhân dân tin tưởng. Đồng chí Tổng Bí thư ra đi là một mất mát lớn của Đảng và đất nước ta…" - ông Bảy Nhị bày tỏ.
H.H - N.C - T.C - G.K - M.H