Tổng kết công tác ngành công thương năm 2021

09/01/2022 - 15:21

 - Sáng 9-1, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành công thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư và Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng chủ trì tại điểm đầu cầu tỉnh An Giang

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu An Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, ngành công thương đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện, với tổng công suất gần 4.350 MW. Đặc biệt, thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho nhiều đối tượng khách hàng trong 5 đợt, với số tiền gần 17 nghìn tỷ đồng.

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch, đóng góp cho ngân sách 75.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Ngành than cũng nỗ lực vượt qua khó khăn và cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so năm 2020, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19%, vượt 15% so kế hoạch, góp phần duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng hàng hóa có thời điểm bị đứt gãy, nhưng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hàng hóa vẫn được cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá cả tương đối ổn định. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân với giá cả hợp lý trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng mới, đóng góp quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu. Quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả; việc quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố….

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả hoạt ngành công thương đạt đươc trong năm 2021. Đồng thời chỉ rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025); dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen, dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Vì thế, Bộ Công thương cần tập trung lãnh, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt, tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng. Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông- lâm- thủy sản…

Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất, nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, ngành cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các luật, nghị định, thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

DUY ANH