Tổng tiến công Xuân 1968: Gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ

13/01/2018 - 17:49

Chương trình giao lưu “Nửa thế kỷ - Một mùa Xuân” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13-1 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra đầy xúc động và ý nghĩa.


Qua chia sẻ của các nhân chứng lịch sử là nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh về những ngày tháng đấu tranh lịch sử, đã cho những người tham gia chương trình thấy được tinh thần quật khởi, anh dũng của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 

Các nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh với lãnh đạo thành phố. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Chia sẻ đánh giá của dư luận quốc tế về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Vũ Hắc Bồng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ghinea chia sẻ: "Lúc bấy giờ, trong bối cảnh tình hình quốc tế tốt, xấu đan xen, tạo ra những khó khăn nhất định cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, dư luận quốc tế như vỡ òa và ví đây như quả bom nguyên tử về chính trị, tâm lý, xã hội. Bởi đây là trận tổng tiến công hàng loạt, kéo dài và hóc búa". 

Trực tiếp tham gia trận đánh vào Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cô Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) không khỏi xúc động khi lần giở ký ức về chặng đường đấu tranh năm ấy. Cô Nghĩa chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở quê hương Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá đau xót của chiến tranh trên quê hương mình. Bản thân lúc đó chỉ có một ý nghĩ rằng chỉ có làm cách mạng, đi theo Đảng thì mới giải phóng được cho gia đình, cho quê hương, dân tộc. Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi cũng như những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi năm ấy tình nguyện đi vào biệt động, cầm súng chiến đấu, dù phải hy sinh, để có được hòa bình cho đất nước, dân tộc”. 

Với vai trò Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, ký ức của cô Đào Thị Huyền Nga (bí danh Hồng Quân) không bao giờ phai mờ về những ngày tháng chiến đấu vào sinh ra tử năm xưa. Cô đặc biệt xúc động khi nhắc đến tình cảm của những người dân luôn đùm bọc, chở che, nuôi giấu bản thân cô cũng như đồng đội của mình dù hiểm nguy luôn rình rập. Cô Nga xúc động  nói: “Cho đến giờ phút này, nhắc lại Mậu Thân tôi vẫn còn xúc động, các mẹ, các chị, các cô đã nỗ lực, bất chấp hiểm nguy để che chở chúng tôi. Hồi đó, tôi đến nhà dân, nếu tôi bị lộ thì mình tôi bị bắt đi tù, nhưng còn nhân dân, quần chúng mà bị lộ sẽ mất hết gia sản, gia đình nhưng người dân vẫn hết sức giúp đỡ không màng nguy hiểm. Nhờ đó mà chúng tôi có thể hoạt động được”. 

Sống ở khu vực Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) – vùng lõm chính trị trong cách mạng, chứng kiến những ngày diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xúc động kể: “Tôi là thế hệ đi sau, 50 năm trước những ngày hào hùng của Mậu Thân 1968 tôi còn rất nhỏ, chưa hiểu được nhiều việc, nhưng trong trí nhớ của mình tôi không bao giờ quên được hình ảnh anh Giải phóng quân với nón tai bèo, dép cao su, cầm súng đi trên đường phố, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh Giải phóng quân. Tôi cũng không thể quên được hình ảnh ba anh Giải phóng quân hy sinh trên góc phố, người dân nơi tôi sinh sống lập miếu thờ các anh. Sau đó rất khó khăn mới có thể duy trì miếu thờ các Anh hùng Liệt sĩ Mậu Thân đến ngày giải phóng. Bản thân tôi sống trong khu vực Bảy Hiền và cùng gia đình phục vụ, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Tất cả những hình ảnh ấy luôn theo và nhắc nhở tôi”. 

Bà Thân Thị Thư chia sẻ: “Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ở trong hang ổ kẻ thù mà các chiến sĩ cách mạng vẫn đứng chân và hoạt động được. Tôi nghĩ đó là lòng dân. Vốn dĩ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để có thể che giấu được các chiến sĩ, mà chỉ có lòng dân mới đủ chở che, đùm bọc chiến sĩ đi trên con đường phục vụ cách mạng. Chúng ta có lòng dân là chúng ta có tất cả”. 

Các nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, là chiến sĩ biệt động tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vui mừng ngày họp mặt. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Tất cả những hy sinh của thế hệ đi trước để cùng thực hiện một mong ước là có được hòa bình cho đất nước, cho dân tộc. Nửa thế kỷ đi qua, nhưng tinh thần của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Cô Đào Thị Huyền Nga xúc động nhắn nhủ: “Chúng tôi, những người đi trước xin trao hết lại niềm tin vào lực lượng trẻ, bởi vì đây là lực lượng bảo vệ xây dựng Tổ quốc, của tương lai và hy vọng. Mong các em trui rèn bản lĩnh, có kiến thức và năng lực”.

Theo T.HOÀI (TTXVN)