TP. Long Xuyên phát triển nông nghiệp đô thị

15/01/2024 - 06:31

”Mục tiêu năm 2024 của ngành nông nghiệp Long Xuyên (tỉnh An Giang) là tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị gắn du lịch sinh thái, trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu; từng bước hình thành vùng chuyên canh, gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để sản xuất mang tính bền vững; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 của TP. Long Xuyên vẫn tăng trưởng khá tích cực. Diện tích gieo trồng lúa 10.090ha (đạt 96,4% so kế hoạch); diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gần 8.000ha (đạt 79,2% so diện tích xuống giống), tập trung các giống lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Diện tích rau màu 962ha (đạt 107%); diện tích chuyển dịch rau màu trên đất lúa gần 330ha (95,3%)... Diện tích nuôi trồng thủy sản 239ha (84,7%).

Riêng diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 134ha (đạt 100%); cá tra 125,8ha (tiêu chuẩn VietGAP 119ha, Natureland 6,8ha), cá lóc 4,3ha... tập trung tại xã Mỹ Hòa Hưng, phường Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới. Công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, dự báo phòng, chống thiên tai được triển khai kịp thời.

Trao quyết định công nhận 6 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục duy trì và phát triển; nhà lưới, nhà màng mang lại hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Việc củng cố, nâng chất và đầu tư mới cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm đầu tư.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 26 nhà màng, diện tích 25.250m2 (sản xuất dưa lưới, rau màu ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ) trên địa bàn 6 xã, phường. Bình quân mỗi ngày, cung cấp ra thị trường từ 2 - 3 tấn rau các loại.

Địa phương tổ chức 15 cuộc tập huấn, khuyến nông, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên lúa và cây màu (517 lượt nông dân tham dự); 12 lớp hội thảo, tập huấn cấp mã số vùng trồng (365 nông dân tham dự). Đoàn liên ngành TP. Long Xuyên kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ; phát hiện 4 cơ sở vi phạm.

Các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) bước đầu được chứng nhận, nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh; tăng cường vận động chủ thể có sản phẩm đạt yêu cầu tham gia đánh giá năm 2023.

Sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh đề nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các công việc còn lại của kế hoạch năm 2023 theo yêu cầu; triển khai tốt kế hoạch xuống giống vụ đông xuân và công tác phòng, chống hạn trong mùa khô. Phát huy thế mạnh đối với 3 ngành hàng chủ lực, 3 ngành hàng tiềm năng theo hướng nông nghiệp đô thị, trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nông nghiệp đa mục tiêu trên địa bàn TP. Long Xuyên; Đề án chuyển dịch đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, gắn với du lịch sinh thái xã Mỹ Hòa Hưng giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030; dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi công nghệ cao vùng chuyên canh rau màu và cây ăn quả xã Mỹ Hòa Hưng.

Xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; triển khai Chương trình OCOP năm 2024; từng bước thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, người dân, doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới...

NGUYỄN HƯNG

 

 

 

Sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá