Trao đổi với phóng viên, Phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên cho biết:
1. Việc điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên, công nhân viên được thực hiện theo quy định của các cấp có thẩm quyền. Việc ông Lê Văn Hạp giữ chức vụ hiệu trưởng gần 20 năm tại Trường Tiểu học “B” An Phú là thông tin hoàn toàn chưa chính xác. Ông Trương Chính Văn giữ chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên (An Giang) hơn 11 năm mà chưa luân chuyển là do ông Văn được UBND huyện ban hành quyết định giữ chức vụ đến hết tuổi nghỉ hưu theo quy định (ông Văn sinh ngày 17-8-1962).
2. Hiệu trưởng và kế toán mỗi lần đi dự toán đều phải có phong bì cho kế toán trưởng: thông tin này không có cơ sở, bởi căn cứ vào biên chế được giao từ UBND huyện và phân bổ ngân sách từ Phòng Tài chính và Kế hoạch, bộ phận kế toán tham mưu lãnh đạo phòng phân bố ngân sách hàng năm về các đơn vị theo các văn bản cũng như theo quy định hiện hành, không có việc thiên vị đơn vị này hay đơn vị khác.
3. Việc cán bộ quản lý được giữ chức vụ, luân chuyển trong vùng đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách theo Nghị định số 116: việc luân chuyển, điều động cán bộ, quản lý được Phòng GD&ĐT thực hiện theo các văn bản hiện hành, do nhu cầu công tác cán bộ, chứ không vì mục đích hay lý do nào khác, có sự thống nhất về nhân sự giữa lãnh đạo phòng và Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn.
4. Cán bộ quản lý không đủ chuẩn vẫn làm hiệu trưởng: năm 2011, UBND huyện điều động ông Huỳnh Văn Viễn giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” Tân Lợi. Năm 2019, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học “C” Tân Lợi là đúng theo quy định về trình độ đào tạo chuẩn giáo viên được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 77 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14-6-2005. Quá trình bổ nhiệm ông Viễn làm cán bộ quản lý là đúng theo chuẩn quy định của từng thời kỳ, văn bản cũng như quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học “A Vĩnh Trung theo quy định về trình độ đào tạo chuẩn giáo viên được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 77 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14-6-2005 đạt chuẩn để giữ chức vụ cán bộ quản lý. Tuy nhiên, nếu theo Luật Giáo dục năm 2019 thì ông Thắng chưa đủ chuẩn. Căn cứ theo Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28-8-2020 của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2020-2025) theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25-8-2020 của Bộ GD&ĐT quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
Do ông Nguyễn Văn Thắng sắp đến tuổi nghỉ hưu, không theo lộ trình nâng chuẩn, vì thế, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND xem xét giữ nguyên chức vụ phó hiệu trưởng đến hết nhiệm kỳ và không thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo đúng tinh thần Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25-8-2020 của Bộ GD&ĐT quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
5. Việc điều chuyển công tác đối với phó hiệu trưởng: việc điều chuyển, luân chuyển cán bộ quản lý là phó hiệu trưởng được Phòng GD&ĐT thực hiện theo các văn bản hiện hành theo từng thời điểm quy định. Theo tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của phó hiệu trưởng trường tiểu học được quy định Điều 21 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT về điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành, cụ thể: phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng, chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền; dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy bình quân 4 tiết trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định. Theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT, thì phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng, không có quy định chức vụ theo nhiệm kỳ.
6.Việc tuyển dụng và luân chuyển giáo viên: việc tuyển dụng, cũng như công tác luân chuyển giáo viên hàng năm được Phòng GD&ĐT thực hiện theo các văn bản hiện hành của các cấp có thẩm quyền. Việc tuyển dụng viên chức cho ngành GD&ĐT huyện, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng và trình UBND huyện phê duyệt công tác tuyển dụng giáo viên cho ngành, sau đó thông báo rộng rãi, công khai trên trang website của huyện và Phòng GD&ĐT. Việc tuyển dụng viên chức cho ngành GD&ĐT huyện được tổ chức chặt chẽ dưới sự chỉ đạo và điều hành của UBND huyện (Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT phối hợp tham mưu), có sự tham gia giám sát của Thanh tra, Ủy ban kiểm tra huyện ủy.
Việc thuyên chuyển công tác giáo viên trong, ngoài huyện và ngoài tỉnh: hàng năm, tập hợp nhu cầu biên chế từ các đơn vị trường học, Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch về nhu cầu trường lớp, học sinh, cán bộ, giáo viên cùng UBND huyện Tịnh Biên và Sở GD&ĐT. Thông tin phải chung chi từ 50-80 triệu đồng để điều chuyển đi và đến huyện hay 10-20 triệu đồng để thuyên chuyển trong huyện là thông tin hoàn toàn không chính xác và bịa đặt. Về công việc buôn bán của gia đình thầy Huỳnh Trung Cang (chuyên viên Phòng GD&ĐT), việc kinh doanh tạp hóa của gia đình thầy Cang đã có truyền thống lâu đời từ gia đình. Việc kinh doanh mua bán theo đúng quy định của pháp luật.
7.Việc sáp nhập trường: thực hiện theo Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 29-9-2020 của UBND tỉnh An Giang thì lộ trình điều chỉnh sáp nhập phải hoàn thành trong năm 2020. Ngày 6-10-2020, Phòng GD&ĐT tổ chức buổi làm việc về công tác sáp nhập trường học với sự tham dự của lãnh đạo phòng, chuyên viên phụ trách tổ chức, kiểm tra, kế toán, thư viện - thiết bị, cơ sở vật chất và cán bộ quản lý của 4 trường: Tiểu học “A” Tân Lợi, THCS Phan Chu Trinh, Tiểu học An Nông, THCS Phan Bội Châu.
Nhằm chuẩn bị cho công tác điều động, luân chuyển cán bộ quản lý sau khi sáp nhập trường, lãnh đạo phòng đã trao đổi trực tiếp với từng cá nhân cán bộ quản lý để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của từng người để công tác điều động, luân chuyển cán bộ quản lý đạt được hiệu quả cao. Và tất cả cán bộ quản lý của 4 trường thực hiện hồ sơ điều động, luân chuyển cán bộ quản lý theo quy định.
Đối với công tác điều động giáo viên, nhân viên, lãnh đạo phòng giao hiệu trưởng các đơn vị quán triệt tư tưởng cho cán bộ giáo viên trong đơn vị. Đối với các biên chế nhân viên dôi dư sau khi sáp nhập trường, bộ phận tổ chức đã mời trao đổi tâm tư nguyện vọng của từng cá nhân để sắp xếp một cách hợp lý. Và đến thời điểm này, công tác chuẩn bị điều động giáo viên, nhân viên sau khi quyết định sáp nhập trường đã hoàn thành và không một nhân viên nào nghỉ việc do không sắp xếp được.
8. Việc quản lý về chuyên môn trường tiểu học và THCS: việc quản lý chuyên môn loại hình trường tiểu học và THCS được thực hiện theo đúng Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15- 9-2020 của Bộ GD&ĐT về ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Bài, ảnh: K.N