Giảm lãi suất để mua nhà
Cử tri đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giảm lãi suất để nhà đầu tư thuận lợi kinh doanh; người thu nhập thấp cũng có thể mua nhà, không còn ở nhà thuê. Theo NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh, đơn vị rất thông cảm, chia sẻ khó khăn của cử tri. Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất hiện nay thuộc thẩm quyền của NHNN Việt Nam, đơn vị ghi nhận, chuyển ý kiến cử tri đến Trung ương xem xét, giải thích cụ thể.
Trước đó, ngày 10/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 486/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, áp dụng đối với các khoản vay để có dư nợ mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi (theo Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Khoản 10, Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điiều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP) là 4,8%/năm. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2023 đến 31/12/2024.
Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị; của công nhân, người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân. Đồng thời, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành 634.200 căn.
Chấn chỉnh việc chào mời mua bảo hiểm
Cử tri phản ánh thực trạng người vay tiền được ngân hàng chào mời mua bảo hiểm nhân thọ, gửi khoản tiết kiệm nhất định thì mới được quan tâm, xem xét giải ngân hồ sơ vay. Việc này làm chi phí của người vay tăng, trong khi bản thân không có nhu cầu mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm. Đề nghị ngành ngân hàng rà soát, thanh, kiểm tra để xử lý, chấn chỉnh, tạo minh bạch trong hoạt động tín dụng.
với vai trò chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trên địa bàn được Thống đốc NHNN Việt Nam giao, đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn không được ép khách hàng mua bảo hiểm không cần thiết khi vay vốn ngân hàng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi này khi thanh, kiểm tra; hoặc khi khách hàng cung cấp đầy đủ chứng cứ.
Hiện nay, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định: Không được ép buộc tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; nghiêm cấm bắt buộc hoặc có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời, quy định chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm.
Đồng thời, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở nội dung này trong cuộc họp sơ, tổng kết ngành ngân hàng; đưa nội dung giám sát đại lý kinh doanh bảo hiểm vào kế hoạch thanh tra năm 2021 và các năm tiếp theo; chủ động giám sát hoạt động đại lý kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khách hàng (02963.843.662 - Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ, tiếp nhận thông tin, tư vấn, hỗ trợ khách hàng; 02963.844.245 - Thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp nhận thông tin vướng mắc về điều kiện, thủ tục hỗ trợ còn khó khăn, rườm rà...).
Tạo điều kiện tiếp cận vốn quỹ tín dụng
Cử tri kiến nghị xem xét, cho phép quỹ tín dụng nhân dân không giới hạn địa bàn hoạt động, tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Theo Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng, việc quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo địa bàn là thực hiện Thông tư 21/2029/TT-NHNN, ngày 14/11/2019 của NHNN Việt Nam, nhằm đảm bảo tôn chỉ, mục đích, an toàn hoạt động, phù hợp với năng lực trình độ quản lý của loại hình tín dụng hợp tác. Giai đoạn hiện nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06/CT-TTg, ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Vì vậy, việc xem xét, cho phép quỹ tín dụng nhân dân không giới hạn địa bàn hoạt động thuộc thẩm quyền của NHNN Việt Nam.
K.N