Quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liệt sĩ huyện An Phú
An Giang có 8 nghĩa trang liệt sĩ, phân bố tại 6 huyện (Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên) và TX. Tân Châu, hiện đang an táng và chăm sóc hơn 14.000 hài cốt liệt sĩ. Những năm qua, các công trình ghi công liệt sĩ nói chung, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ nói riêng được Đảng, nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp đảm bảo mỹ quan, đồng thời thể hiện sự tôn vinh các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hàng năm, ngân sách nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng vào công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều nghĩa trang được tu sửa khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nguyện vọng thăm viếng, chăm sóc mộ liệt sĩ của thân nhân liệt sĩ và nhân dân. Việc đề nghị xây dựng nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, xã tại các địa phương chưa có nghĩa trang liệt sĩ nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ địa phương đã hy sinh qua các thời kỳ là nguyện vọng chính đáng của nhân dân và người có công.
Tuy nhiên, việc xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ cần phải chú ý đến quy hoạch của địa phương, phù hợp phong tục tập quán, được sự đồng thuận, đề nghị của chính quyền và nhân dân. Đối với địa phương không có nghĩa trang liệt sĩ, có thể xem xét xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ hoặc nhà bia ghi tên liệt sĩ, đồng thời vẫn phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và các quy định khác theo pháp luật hiện hành.
Mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Hỗ trợ người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do COVID-19. Ảnh: H.C
Thực hiện quy định về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, toàn tỉnh quyết định hỗ trợ cho gần 1.600 doanh nghiệp, 358.506 NLĐ (trong đó có 293.344 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động), 83 viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch. Hỗ trợ tiền ăn đối với 98.625 người là F0, F1... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 800 tỷ đồng.
Các địa phương tiến hành hỗ trợ chính sách cho NLĐ với tổng kinh phí trên 642 tỷ đồng. Một số địa phương đang tiếp tục hỗ trợ chính sách cho NLĐ. Đến nay, các chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã hết thời hạn nhận hồ sơ. Sở LĐ-TB&XH tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.
Hỗ trợ bảo hiểm y tế hàng năm cho người từ 70-80 tuổi
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi (công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên); Nghị định 06/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP). Người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (Khoản 5, Điều 5, Chương 2 Nghị định 20/2021/NĐ-CP); cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (Điều 9, Chương 2).
Như vậy, người cao tuổi thuộc các trường hợp quy định trên được nhà nước hỗ trợ cấp BHYT từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, người cao tuổi sống trên địa bàn huyện An Phú thuộc hộ nghèo, cận nghèo (không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Khoản 5, Điều 5, Chương 2 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP) đã được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí. Việc mở rộng hỗ trợ BHYT cho nhóm người cao tuổi từ 70-80 tuổi không thuộc nhóm đối tượng trên.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ BHYT cho nhóm người cao tuổi trên.
K.N