Theo bà Nga, giữa cha bà (Phan Văn Tuấn) và 4 người anh chị em ruột là Phan Thị Hoa (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc), Nguyễn Văn Lý (ngụ phường Nhà Bàng, TX. Tịnh Biên), Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Bích Thủy (cùng ngụ phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên), tranh chấp đối với thửa đất số 1421, tờ bản đồ 06, diện tích 3.024m2.
Đây là đất vườn trồng cây lâu năm do ông nội Nguyễn Văn Thế (mất năm 2000) đứng tên, được UBND huyện Tịnh Biên (nay là TX. Tịnh Biên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1998, đất tọa lạc tại khóm Sơn Tây (phường Thới Sơn).
Năm 2019, sau khi mẹ bà Nga mất, 3 cha con bà từ thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) về lại phần đất này cất nhà ở, chăn nuôi gia cầm cải thiện đời sống. Họ làm hàng rào bằng nhựa để bảo vệ đàn gia súc và cây ăn trái. "Tuy nhiên, thời gian gần đây, gia đình tôi thường xuyên bị mất trộm, phá hoại tài sản, phát sinh mâu thuẫn không vui trong gia đình.
Vì vậy, khoảng tháng 2/2024, gia đình tôi cắm trụ đá làm hàng rào lưới B40, phía cô chú tôi trình báo Văn phòng khóm Sơn Tây, cho rằng cha tôi làm hàng rào trên đất của ông nội không xin phép họ, yêu cầu phải tháo dỡ trong 3 ngày. Tôi không đồng ý tháo dỡ, có đơn khởi kiện dân sự đến Tòa án nhân dân TX. Tịnh Biên yêu cầu xác định lại cha mẹ ruột cho cha tôi, để làm cơ sở thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật" - bà Nga cho biết thêm.
Bà Nga chỉ phần hàng rào bị hư hại
Theo bà Nga, tòa án đã xác định ông Tuấn là con ruột của ông Thế, lúc nhỏ cho người khác nuôi nên mang họ khác. Ngày 21/3/2024, bà Hoa, ông Lý, bà Hạnh thuê một số người kéo đến tháo dỡ hàng rào. Gia đình bà Nga báo chính quyền địa phương, công an phường mời đôi bên đến làm việc. Cơ quan chức năng yêu cầu gia đình bà giữ nguyên hiện trường. Nóng ruột vì bị thất thoát tài sản quá nhiều, nên bà dựng lại hàng rào thì tiếp tục bị phá dỡ, camera cũng bị đập phá hư hỏng. Gia đình bà đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi phá hoại tài sản.
Phía bà Hạnh, bà Thủy cho rằng: “Phần đất hương hỏa trên 3.000m2 (trong đó hơn 500m2 là mồ mả ông bà, cha mẹ) do cha để lại, mấy anh chị em tôi ở, quản lý sử dụng từ năm 1995, thờ cúng ông bà mỗi năm làm 8 giỗ, lấy từ nguồn huê lợi trên đất. Trước đây, gia đình anh Tuấn sinh sống ở thị trấn Ba Chúc. Sau khi chị dâu mất, thấy anh bị bệnh, già yếu nên chị em tôi kêu về ở gần để tiện tới lui thăm nom, chăm sóc. Gia đình Tú Nga về ở từ năm 2019 đến nay.
Trước giờ, anh chị em quây quần cất nhà ở chung trong khu vực đất hương hỏa này, không ai có quyền rào chắn. Do vậy, khi Tú Nga làm hàng rào, chị em tôi không cho. Mặc dù địa phương có giải quyết, nhưng họ vẫn ngoan cố làm hoài, nên chị em tôi đạp ngã xuống không cho rào. Tòa án xử thế nào thì tính tới đó”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường Thới Sơn cho biết, phía bà Phan Thị Tú Nga làm hàng rào không xin phép, sau khi có mâu thuẫn trong tộc họ gia đình. Địa phương, Ban Nhân dân khóm đã hòa giải, yêu cầu bà Nga giữ nguyên hiện trường không được rào. Bà Nga đồng ý ký biên bản, nhưng vẫn tiếp tục rào. Vì vậy, phía cô chú ruột của bà Nga đã cắt lưới B40, nhổ đập gãy trụ đá. Qua làm việc, họ vẫn cho rào, nhưng trong phạm vi bán kính căn nhà, không đồng ý cho rào luôn phần đất hương hỏa còn trống phía sau.
Vụ việc xảy ra gây mất an ninh trật tự, công an phường mời làm việc nhiều lần nhưng bà Tú Nga vẫn không thống nhất chấp hành, không ký biên bản làm việc, có lời lẽ, thái độ thách thức và tiếp tục dựng hàng rào. Công an phường đã mời làm việc và hướng dẫn bà Nga không nên vì tranh chấp dân sự mà gây mất an ninh trật tự, yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Nếu một trong hai bên có nhu cầu tranh chấp dân sự thì khởi kiện đến tòa án để được giải quyết đúng quy định pháp luật.
K.N