Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

13/04/2023 - 06:56

 - UBND tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 11 cuối năm 2022 để trả lời. Báo An Giang lược trích nội dung cơ bản thông tin đến bạn đọc.

Lắp đặt camera xử phạt nguội

Theo UBND huyện Châu Phú, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội và phòng, chống tội phạm, địa phương lắp đặt 208 camera giám sát ở các tuyến đường trọng yếu, như: Quốc lộ 91, Tỉnh lộ 947, 945 (cũ), Nam Kênh 10 Châu Phú… Riêng tại cổng Trường Tiểu học “B” Bình Mỹ, lắp đặt camera PTZ và camera Pulller. Hiện nay, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Châu Phú phối hợp Đội Tuần tra kiểm soát số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh) thường xuyên tuần tra, nhiều lần xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, trong đó, có việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Qua ý kiến của cử tri, Công an huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử nghiêm đối tượng vi phạm, cùng với các trường hợp ghi nhận từ camera.

Về mua vé tháng, vé năm qua cầu Bình Thủy, đề nghị người dân liên hệ nơi điều hành thu phí (phía xã Bình Thủy) để thực hiện. Theo đó, vé tháng 20.000 đồng/người, vé năm 200.000 đồng/người. Về yêu cầu miễn giảm thu phí đối với cán bộ, công chức, viên chức thường qua lại cầu, thực hiện theo Quyết định 79/2017/QĐ-UBND, ngày 10/11/2017 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng qua cầu Bình Thủy,  các trường hợp được miễn thu phí, gồm: Người đi bộ, qua cầu; các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, xe môtô 2 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) do giáo viên, học sinh, sinh viên, thương binh, bệnh binh, trẻ em dưới 10 tuổi điều khiển. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không thuộc đối tượng miễn phí, nhưng có thể mua vé tháng, vé năm theo mức giá hỗ trợ nói trên.

Hỗ trợ đất cho hộ nghèo

Theo UBND tỉnh, Thông tư 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 quy định, hộ nghèo được hỗ trợ đất ở là “hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa có đất ở...”. Như vậy, hộ nghèo dân tộc Kinh không sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn/ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi không thuộc diện hỗ trợ đất ở. Đến nay, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ (chỉ hướng dẫn về đối tượng và nội dung) nên địa phương đang gặp khó trong công tác này. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hướng dẫn, đến khi có kết quả, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện theo quy định.

Đối với khu đất dự kiến làm nhà máy xử lý rác nhưng không thực hiện, cử tri cho là bỏ trống, gây lãng phí. Qua rà soát, nguồn gốc đất là đất công do UBND huyện Tri Tôn quản lý, sử dụng và theo quy hoạch (đã phê duyệt) khu đất thuộc đất nông nghiệp khác. Tỉnh giao địa phương căn cứ vào quy hoạch, mời gọi đầu tư để khai thác khu đất hiệu quả. Trường hợp mục tiêu này chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện thực hiện điều chỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 1065/UBND-KTN, ngày 16/9/2022 để tổ chức khai thác khu đất phù hợp, đúng quy định và hiệu quả.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp ở huyện Chợ Mới. Ảnh: G.K

Định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường và tham gia các chuỗi liên kết để việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, hiệu quả là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành nông nghiệp. Qua đó, trong năm 2022, ngành nông nghiệp hỗ trợ bà con ký liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp (DN) trên 115.000ha lúa (tăng 27.302ha so năm 2021) và gần 10.000ha rau màu, cây ăn trái. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp người dân yên tâm sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Về định hướng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, đổi mới mô hình sản xuất theo chiều sâu, tăng giá trị trên đơn vị sản xuất. Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo chuỗi ngành hàng, thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất. Đồng thời, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và có trách nhiệm với môi trường.

Về giải pháp, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang. Thông qua kế hoạch này, địa phương thành lập HTX kiểu mới, THT gắn với từng tiểu vùng sản xuất để liên kết chặt chẽ với DN. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đối với việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX, hướng dẫn các DN đến địa phương hợp tác, thỏa thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiếp tục hỗ trợ cho DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với HTX, THT tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi các DN tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rau màu trên địa bàn...

N.R