TP HCM đang cách ly gần 9.170 trường hợp tại các khu cách ly tập trung của TP, trong đó riêng Khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM là gần 6.450 trường hợp.
Nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 trong các nơi cách ly tập trung là điều các chuyên gia lo ngại, nhất là một số người được cách ly không tuân thủ các quy tắc an toàn trong tiếp xúc với nhau, có những hoạt động vi phạm quy định.
Buổi tối tại khu cách ly Khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM.
Những ngày qua, một số hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một số người khi cách ly tập trung không tuân thủ hoàn toàn quy định cách ly, như vi phạm giữ khoảng cách 2m, không đeo khẩu trang, thậm chí tổ chức vui chơi, giao lưu ăn uống cùng nhau. Những hành vi nói trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm dịch bệnh lan rộng.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy, cách ly luôn là một trong những biện pháp quyết định thành công hay không trong kiểm soát dịch, vì thế, mặc dù rất tốn kém ngân sách nhưng chủ trương Chính phủ yêu cầu cách ly những trường hợp nguy cơ lây nhiễm.
"Những đối tượng cần cách ly tuyệt đối là bởi vì có nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ mắc và lan truyền cực cao. Đây không phải là do một người nghĩ ra, mà người ta đã trải qua những kinh nghiệm nhiều mùa dịch, đúc kết thành những bài, những phác đồ hay quy trình để thực hiện" - TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người cách ly.
GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, người nhập cảnh về Tân Sơn Nhất khi đưa về khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM được quy định ở 4 người chung 1 phòng, mỗi giường cách nhau 2m. Trong quá trình này, nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu ai có các dấu hiệu bệnh thì sẽ được đưa đi cách ly đơn, cùng với đó là đưa những người cùng phòng đến nơi khác để cách ly.
Do đó, ông Bỉnh lưu ý, người đang được cách ly phải tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly, không tiếp xúc từ phòng này qua phòng kia để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh: "Những người nào không tuân thủ thì chúng tôi sẽ có biện pháp cách ly khác. Đây là chế độ cách ly, không thể có những hoạt động khác. Phải tuân thủ tuyệt đối, kể cả nhân viên y tế. Nếu không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến toàn khu cách ly".
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, hệ thống y tế đã phân bố khoảng cách nhất định, cũng như có sự giáo dục về nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm chéo và truyền thông về sức khỏe để giữ sức đề kháng cho người cách ly. Tuy nhiên nếu không chấp hành nghiêm quy định, những người đang thực hiện cách ly tập trung đều có nguy cơ trở thành bệnh nhân mắc Covid-19 (F0), và là mối nguy khi ra ngoài cộng đồng.
Tập thể dục giữ khoảng cách 2m là một hoạt động lành mạnh và đúng quy định.
BS Khanh cho rằng, sau 14 ngày cách ly thì những người này trở về cũng phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa. Đó không phải là do có thay đổi nào trong thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2, mà là để phòng nguy cơ lây nhiễm chéo tại nơi cách ly tập trung, nhất là đối với những người trẻ thường có xu hướng đi chơi, giao lưu nhiều.
"Chính việc ở chung với nhau, họ có nguy cơ, có thể xảy ra vào ngày cuối cùng khi ra khỏi khu cách ly. Do đó có chút nguy cơ thì mọi người tự cách ly ở nhà thêm 14 ngày nữa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và chính người thân của mình. Lúc đầu họ chưa nhiễm nhưng mà sau đó có thể mang bệnh" - BS Khanh cho biết.
Hiện nay Chính phủ và các ngành chức năng khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài. Trong khi đó, trong môi trường cách ly tập trung, có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn thì khả năng lây lan cũng cao hơn ngoài xã hội.
Vì vậy, mỗi cá nhân phải cố gắng tuân thủ các nguyên tắc cách ly cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với nhau theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh cho mình và cho người khác. Việc này sẽ đóng góp cho sự thành công trong công tác ngăn chặn lan rộng dịch bệnh Covid-19.
Theo VOV