Tranh Tết vào vụ

10/01/2023 - 05:51

 - Chơi tranh nghệ thuật đã trở thành niềm yêu thích của nhiều người, nhất là dịp Tết đến, xuân về. Tranh treo ngày Tết không chỉ mang lại không gian đẹp, mà còn mang ý nghĩa, tài lộc cho gia chủ trong năm mới.

Tranh chất liệu từ gỗ, sơn dầu, tranh thêu, đá quý... rất phù hợp dịp Tết. Mỗi bức tranh mang ý nghĩa riêng. Nếu tranh cá chép mang lại công danh và tài lộc; tranh tùng bách lại thể hiện sự an lạc, trường thọ; tranh hoa mẫu đơn như lời chúc phú quý, giàu sang...

Những ngày giáp Tết, không khí tấp nập, nhộn nhịp ở các cơ sở làm tranh kiếng lâu năm trên vùng đất cù lao Ông Chưởng làm người ta nôn nao hẳn lên. Hơn 40 năm gắn bó với nghề gia truyền, ông Nguyễn Thanh Hòa (sinh năm 1965, ngụ ấp Long Tân, xã Long Điền B) bày tỏ, tranh kiếng ra đời nhờ những nét vẽ ngược tài hoa của người thợ.

Với người ngoài nghề, vẽ thuận thôi cũng là một thử thách, nói gì đến vẽ ngược, tưởng tượng thôi cũng thấy độ khó đến nhường nào! Ấy vậy mà, những người thợ gắn bó lâu với nghề làm tranh kiếng lại rất say mê, cần mẫn. Để bức tranh kiếng đẹp và có hồn, đòi hỏi người thợ vẽ phải đặt cả tâm tư, tình cảm của mình vào đấy. Từ bố cục đến nét vẽ, màu sắc đều thật hài hòa. 

Tranh kiếng dù có từ lâu đời nhưng vẫn khá hút hàng dịp Tết

Từ trước tháng Chạp, nhiều người chuyên mua bán tranh kiếng đã đến cơ sở của ông Hòa lấy sản phẩm. Họ chất tranh trên chiếc xe máy, mỗi lần chở khoảng 10 bức trở lại. Thỉnh thoảng chạy xe trên các con đường quê, bắt gặp họ rong ruổi tìm kiếm khách hàng yêu thích dòng tranh này.

Bà Đoàn Thị Sửa (50 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết: “Gia đình tôi rất thích treo tranh kiếng. Từ nhỏ, tôi thấy ông bà mình mua tranh kiếng trang trí trong nhà. Đến giờ, những bức tranh ấy vẫn còn đẹp, chỉ ngả màu thời gian chút thôi. Tôi đang định mua thêm vài bức tranh chủ đề hoa lá ngày Tết, vừa đẹp vừa bền”.

Bận rộn với việc sơn, khắc chữ và hoàn thiện công đoạn cuối cùng cho bức tranh gỗ của mình, chàng trai Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1994, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) tranh thủ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để trò chuyện cùng chúng tôi. Vũ Linh chia sẻ: “Thời điểm cận Tết, khách đặt hàng nhiều gấp đôi so với ngày thường. Có khi, tôi phải thức muộn, thậm chí là đến sáng để hoàn thành tranh kịp giao khách. Ngoài đặt tranh lá thốt nốt, khách chuộng nhiều nhất vẫn là tranh gỗ.

Bên cạnh sản phẩm tranh gỗ theo chủ đề chân dung Bác Hồ, Bác Tôn, tranh phong cảnh quê hương, con người An Giang vẫn là lựa chọn khách hàng đặt nhiều nhất. Tùy vào kích thước, mẫu mã, tranh gỗ thường có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm”.

Vũ Linh vừa hoàn thành bức tranh giao khách hàng trước Tết

Bén duyên với nghề làm tranh gỗ hơn 4 năm, Vũ Linh nhớ như in những ngày đầu vất vả khởi nghiệp: Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, khách hàng ít… Nhưng đam mê, quyết tâm lập thân, lập nghiệp tại quê nhà, Vũ Linh từng bước khắc phục khó khăn. Hai năm đầu, hầu như sản phẩm làm ra đều hoàn vốn, chưa sinh lợi nhuận, nguồn khách hàng hạn chế. Rồi được Tỉnh đoàn hỗ trợ, thông qua gian hàng trưng bày sản phẩm thanh niên khởi nghiệp của tỉnh, Vũ Linh được nhiều người biết đến, khách hàng ủng hộ nhiều hơn. Từ năm thứ 3 trở đi, Vũ Linh mới dần mở rộng cơ sở và thuê thêm nhân công.

Nắm bắt nhu cầu sản phẩm quà tặng trên thị trường, anh Vũ Linh còn sáng tạo sản phẩm quà tặng, logo lưu niệm, văn phòng phẩm từ gỗ. Được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang hỗ trợ vốn, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị. Nhờ đó, từ chỗ chỉ bán vài sản phẩm lúc khởi nghiệp, đến nay anh đã lập xưởng bán hàng với doanh thu ổn định hàng tháng. Mới đây, sản phẩm lưu niệm vô cùng tinh xảo, độc đáo từ gỗ của chàng trai An Giang được trưng bày tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, thu hút sự quan tâm của đại biểu cả nước.

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Cứ mỗi độ xuân về, tranh Tết xuất hiện, làm không khí đón chờ năm mới thêm náo nức, tưng bừng. Dù nhà giàu hay nghèo, người ta cũng lựa mua bức tranh Tết với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà. Những gia đình có điều kiện thì việc chơi tranh không đơn giản là cho có không khí Tết. Với họ, bức tranh là vật trang trí để kiến tạo nên không gian sang trọng và quý phái, chứng tỏ lễ giáo gia phong của gia đình.

Đặc biệt, đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang nội dung cầu chúc những gì tốt đẹp nhất. Dù là tranh kiếng, tranh gỗ hay vật liệu nào khác, thì dòng tranh Tết thường khơi gợi cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc xuân, gửi gắm mong ước của gia chủ cầu mong trong năm mới.

PHƯƠNG LAN