Tranh thủ thời cơ xuất khẩu gạo

14/09/2023 - 06:15

 - Gần đây, mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có giảm nhẹ so với trước, song trên bình diện tổng thể, mặt hàng gạo đã xuất sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới luôn ở mức cao, đạt con số kỷ lục về kim ngạch lẫn giá trị. Đây là tin vui cho ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và bà con nông dân An Giang nói riêng.

Xuất khẩu gạo thông qua Cảng An Giang

Giá tốt nhờ chất lượng

 8 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới gần 6 triệu tấn gạo, thu về 3,17 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp (DN) An Giang xuất trên 300.000 tấn. Đây là con số kỷ lục trong 34 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Giá xuất khẩu cao, nông dân rất phấn khởi. Bình quân mỗi ký lúa, nông dân lãi từ 1.500 - 1.800 đồng, riêng một số hộ sản xuất theo quy trình canh tác tiên tiến thì mức lãi đạt 2.000 đồng/kg, giúp nông dân mạnh dạn tái sản xuất trong những vụ mùa tới. Với giống lúa OM5451, các DN xuất khẩu trong và ngoài tỉnh đang thu mua từ 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Các DN tham gia xuất khẩu gạo trong tỉnh cho biết, ngoài yếu tố thị trường, gạo Việt Nam có giá cao nhờ chất lượng không ngừng nâng lên. Nông dân, DN đẩy mạnh liên kết sản xuất các giống lúa theo yêu cầu của thị trường, như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8…

Khi Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, UAE áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo, làm nguồn cung gạo trên thị trường thế giới bị thiếu hụt, giá gạo Việt Nam, Thái Lan tăng mạnh. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 9/2023, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ổn định quanh mức 643 USD/tấn, gần tương đương gạo Thái Lan (646 USD/tấn).

Nếu so với thời điểm trước khi có lệnh cấm, gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn. Trong 8 tháng qua, gạo Việt Nam liên tục lập đỉnh mới. Cụ thể, ngày 1/1/2023, giá gạo 5% tấm chỉ giao dịch quanh mức 458 USD/tấn thì đến ngày 31/8/2023, lên 643 USD/tấn, tăng 185 USD/tấn. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.

“Ngành nông nghiệp đang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh liên kết với DN, sản xuất các giống lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “1 phải, 5 giảm”, trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau khi sạ), tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, kết hợp phân hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng hạt gạo, phục vụ tốt yêu cầu xuất khẩu” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Linh hoạt trong sản xuất

Giá gạo xuất khẩu của các DN Việt Nam nói chung, 18 DN trong tỉnh nói riêng đang ở mức cao, nông dân rất phấn khởi, đời sống người trồng lúa được cải thiện đáng kể. Đây là cơ hội để giới thiệu các thương hiệu gạo Việt vươn ra thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nông nghiệp đối với nền kinh tế.

An Giang là một trong 3 tỉnh có sản lượng lúa gạo đứng đầu cả nước, có diện tích đất trồng lúa rất lớn (trên 260.000ha). Nông dân trong tỉnh có kinh nghiệm sản xuất lúa, đồng thời thực hiện phương châm “bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có”.

Chính cách làm này đã thu hút 38 DN tham gia xuất khẩu gạo hợp tác sản xuất, liên kết với nông dân làm ra hạt gạo ngon, thơm để xuất khẩu. Trong số 38 DN, có 18 DN trong tỉnh, 20 DN ngoài tỉnh (có kho chứa/cơ sở xay xát đặt trên địa bàn An Giang). Điều này cho thấy, tiềm năng trong sản xuất lúa gạo của tỉnh là rất lớn.

Gạo Việt đang xuất với giá cao, một mặt nhờ chất lượng được nâng lên, mặt khác là do DN và nông dân không bỏ lỡ cơ hội, đẩy mạnh trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, VietGAP… để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh đang bước vào vụ sản xuất thu đông 2023 với diện tích gieo trồng 148.133ha, mùa vụ diễn ra thuận lợi. Ngành nông nghiệp dự tính, năng suất vụ này khoảng 6,23 tấn/ha, sản lượng ước đạt 923.034 tấn.

“Tôi rất phấn khởi khi lãnh đạo ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo lần này, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, đồng thời có giải pháp kiềm chế giá vật tư nông nghiệp để chi phí sản xuất lúa không tăng. Đây là năm mà nông dân có được “niềm vui kép”, vừa được mùa, vừa trúng giá” - ông Trần Văn Lanh (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) phấn khởi.

Ngoài tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu ra thế giới, các DN trong tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo để xuất vào các thị trường cấp cao. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng sang thị trường Châu Âu. Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Châu Âu trong năm 2023.

“Tình hình xuất khẩu gạo đang thuận lợi, về lâu dài các DN cần xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, tập trung khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu của các thị trường trọng điểm, truyền thống; chú trọng phát triển, duy trì chất lượng đối với các thị trường cấp cao, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ gạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước” - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng khuyến cáo.

MINH HIỂN