'Trao quyền cho người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và bình đẳng'

03/12/2018 - 19:27

Ngày 3-12, nhiều hoạt động diễn ra trên khắp thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật.

Với chủ đề “Trao quyền cho người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và bình đẳng”, Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay tập trung vào việc huy động hỗ trợ các giá trị, quyền và phúc lợi cho người khuyết tật; nâng cao nhận thức cho người khuyết tật tham gia các lĩnh vực của đời sống của xã hội. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong Chương trình Phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc, với cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”.

“Trao quyền cho người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và bình đẳng” là chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm 2018. Ảnh Bangla Tribune

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc có khoảng hơn 1 tỉ người trên thế giới mắc những khuyết tật ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, một nửa trong số những người này không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ, trong khi nhiều người phải đối mặt với các rào cản trong việc hòa nhập vào các lĩnh vực đời sống, xã hội.

Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật năm nay, chính phủ nhiều nước đã đưa ra các biện pháp cũng như chiến dịch hỗ trợ các giá trị, quyền và phúc lợi cho người khuyết tật. Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong thông điệp của mình khẳng định cam kết của chính phủ làm thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật bằng việc trao cho họ cơ hội bình đẳng trong giáo dục và việc làm. Thủ tướng Imran Khan cho biết, một dự luật giúp dỡ bỏ các rào cản, mang lại cơ hội cho người khuyết tật sắp được kí thành luật.

Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề lao động và việc làm Marianne Thyssen cũng cho biết, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu mới đây đã đạt được thỏa thuận sơ bộ giúp cải thiện cuộc sống của hơn 80 triệu người khuyết tật tại châu Âu. Theo thỏa thuận, họ sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ cần thiết như điện thoại, máy tính, sách điện tử hay thương mại điện tử. Đây là bước đi thiết thực nhằm hiện thực hóa chiến lược giúp đỡ người khuyết tật châu Âu giai đoạn 2010-2020, nhằm tạo ra một châu Âu không rào cản cho tất cả các công dân châu Âu. Dự kiến thỏa thuận này sẽ sớm được thông qua trong những tuần sắp tới.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng giúp đỡ người khuyết tật: “1 tỷ người trên thế giới sống với các hình thức khuyết tật khác nhau. Phần lớn họ ở các nước đang phát triển và nhiều người trong số họ bị phủ nhận quyền cũng như bị ngăn cản thể hiện khả năng của mình. Trẻ con bị ngăn đến trường. Những người trưởng thành không thể sống độc lập, họ không có cơ hội việc làm. Những người này đang phải đối mặt với việc bị tổn thương thậm chí là bạo lực. Làm thế nào để vượt qua sự phân biệt đối xử và kì thị, tạo cho họ được quyền giáo dục, việc làm với các công nghệ hiện đại, giúp họ đóng vai trò đầy đủ trong cộng đồng của mình? Chúng ta chỉ cần một điều đơn giản đó là "ý nguyện"để mong muốn biến những điều này thành sự thật”.

Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay không chỉ là dịp để các cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ người khuyết tật mà còn tạo cảm hứng, truyền động lực cho những người khuyết tật tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một loạt seri trên kênh truyền hình CNN của Mỹ với tên “Điểm ngoặt” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người xem khi kể về số phận của những người khuyết tật kém may mắn nhưng đã vươn lên trong cuộc sống và đạt được thành công. Đó là một phụ nữ trẻ phục hồi từ trạng thái sống thực vật và trở thành một vũ công.

Một họa sĩ bị liệt từ cổ xuống đã tạo nên các bức tranh tuyệt đẹp sử dụng cọ vẽ bằng miệng hay một cựu chiến binh bị cụt 1 chân trong cuộc chiến tại Iraq đã trở thành một cầu thủ khúc côn cầu nổi tiếng. Họ là những người đại diện cho những người khuyết tật, biết vượt qua thử thách để biến giấc mơ thành sự thật và đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người thiếu may mắn khác./.

Theo PHẠM HÀ (VOV)