Giá trị con gà tây
Một người nọ bước đến và bảo ông ta có thể “chữa lành” đứa trẻ này. Rồi ông cởi hết quần áo, chui xuống gầm bàn cùng đứa trẻ. Đứa trẻ hỏi: Tại sao ông làm vậy? Ông hỏi lại đứa trẻ tại sao nó làm vậy? Đứa trẻ trả lời: “Vì tôi là con gà tây”. Ông cười chỉ vào mình và nói ông cũng chính là con gà tây. Rồi hai “con gà tây” sau mấy ngày chui xuống gầm bàn với tư thế Adam thì ông mới bảo với đứa trẻ: “Con biết sao không, chúng ta có thể mặc đồ lót vào và vẫn là những con gà tây đấy!”. Đứa trẻ đồng ý.
Mọi đứa trẻ đều là thiên tài ẢNH MINH HỌA: SHUTTERRSTOCK
Sau mấy hôm nữa, ông bảo: “Thậm chí chúng ta có thể mặc quần áo như bình thường nhưng vẫn là hai con gà tây cơ!”. Và hai “con gà tây” lúc này đã mặc quần áo nhưng vẫn chui xuống gầm bàn. Sau đó ông lại bảo: “Có một bí mật là chúng ta vẫn có thể ngồi lên bàn ăn cùng mọi người nhưng không ai ngoài hai chúng ta biết được với nhau chúng mình vẫn là những con gà tây!”. Đứa trẻ đã trở về trạng thái bình thường, một cách thoải mái nhất, vì đã được công nhận giá trị “gà tây” của nó.
Câu chuyện mình được nghe kể từ một người thầy Do Thái đặc biệt, Shlomo Shoham, ủy viên đầu tiên của Ủy ban Vì các thế hệ tương lai của Israel, tác giả của cuốn sách Israel đã kiến tạo tương lai như thế nào.
Mọi đứa trẻ đều là thiên tài
Tôi nhớ câu chuyện đó khi có những phút giây cảm động đến muốn khóc lúc tới thăm một lớp dạy cho những đứa trẻ đặc biệt đã không được công nhận là chính nó khi sống ở xã hội ngoài kia. Có em suốt ngày gào thét, có em luôn tự hủy hoại mình (đấm vào mũi mình đến chảy máu, đấm vào đầu mình đến độ lúc nào cũng phải đội nón bảo hiểm...), có em thích leo lên nóc nhà, nhiều em không muốn giao tiếp, đánh đập người khác khi lại gần...
Bằng những phương pháp đồng hành, ghi nhận nhiều tiềm năng khác của các em, đội ngũ giáo viên của TS Phan Quốc Việt (Hà Nội) đã chuyển hóa các em thành những con người vui vẻ, biết hòa đồng và giúp đỡ. Để có được những tiến bộ đó, thầy cô đã phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng “điên” để giúp các em giải tỏa hết năng lượng tiêu cực thành năng lượng có ích thay vì tìm cách kìm hãm nó (trói tay, nhét giẻ vào miệng, uống thuốc...). Nói cách khác, các thầy cô đã biết biến mình thành những “con gà tây” khi muốn chuyển hóa đám trẻ.
Đáng buồn là khi có những em bé đặc biệt này, rất nhiều gia đình thường không dám công nhận và vẫn cho là con có thể hòa nhập ở những môi trường bình thường mà không biết rằng mình đang tạo một áp lực lớn cho con khi con không giống chúng bạn xung quanh.
Và con càng lớn, hành vi càng khó kiểm soát hơn và mọi can thiệp sẽ phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều. Trẻ tự kỷ, tăng động, bại não... là những đứa trẻ đặc biệt. Chúng cần được công nhận và cần được sống trong một môi trường phù hợp để phát triển.
Mình đã chứng kiến những em bé đặc biệt kể chuyện rất rành rọt, mạch lạc; giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh rất lưu loát; biểu diễn xiếc tung hứng, đứng trên con lăn, đi xe đạp một bánh... rất giỏi. Và nhiều thầy cô đã phải công nhận những tài năng vượt trội của các em so với các bạn bình thường khác. Bởi vì, “Mọi đứa trẻ đều là thiên tài... Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”, lời Albert Einstein.
Theo PHAN KHÁNH QUỲNH (Thanh Niên)