Trên đồng xả lũ

16/08/2024 - 06:42

 - Việc xả lũ định kỳ giúp thực hiện đúng quy trình vận hành kiểm soát lũ, vệ sinh đồng ruộng, tạo độ lắng phù sa và mang lại những vụ mùa bội thu. Xả lũ ở từng địa phương gắn liền với tình hình chung toàn tỉnh, để điều tiết mực nước, xây dựng giải pháp bảo vệ sản xuất lúa vụ thu đông, vườn cây ăn trái...

Thống nhất chủ trương xả lũ

Từ năm 2019, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) thực hiện chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”, với 50% diện tích sản xuất và 50% diện tích xả lũ hàng năm nhằm điều chỉnh lịch thời vụ. Chủ trương này còn đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, như đưa phù sa vào đồng ruộng, cải tạo độ phì nhiêu của đất, hạn chế sâu bệnh và thoái hóa đất nông nghiệp, tăng năng suất cho vụ sản xuất sau.

Duy trì đến nay, chủ trương được nông dân trên địa bàn huyện đồng thuận, góp phần thực hiện tốt lịch thời vụ xuống giống phân vùng, tập trung, né rầy… mang ý nghĩa về mặt nông học, thay đổi tập quán sản xuất và giảm áp lực thu hoạch đồng loạt ở các vụ sản xuất tiếp theo.

Gần nhất là năm 2023, giá trị sản xuất khu vực I (nông, lâm, thủy sản) đạt hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 2,25% so cùng kỳ và đạt 101% so kế hoạch, tiếp tục khẳng định nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện thuần nông.

Chị Lê Thị Kim Thoảng (xã Phú Thạnh) gắn bó với nghề trồng nếp hơn 20 năm, tổng đất ruộng 4.000m2. Năm nay, tiểu vùng đến chu kỳ xả lũ, không riêng chị Thoảng mà hầu hết hộ dân đều đồng thuận chấp hành. Trước đây, người dân quen sản xuất bình thường, thời gian đầu điều chỉnh chủ trương sản xuất bà con rất lo lắng. Dần dần, nông dân phấn khởi làm theo. “Nhờ xả lũ, đồng ruộng được tiếp thêm phù sa, mùa sản xuất tiếp theo giảm sử dụng phân bón, đem lại lợi nhuận cao hơn" - chị Thoảng khẳng định.

Phú Tân thu hoạch lúa, nếp dứt điểm trước khi đón nước vào đồng ruộng

UBND huyện Phú Tân đánh giá, việc ngưng vụ/xả lũ vụ thu đông mang lại hiệu quả tích cực. Về sản xuất, giúp điều chỉnh được lịch thời vụ phù hợp thời tiết, đặc tính sinh trưởng của nếp, lúa. Đồng thời, sắp xếp và rút ngắn giai đoạn xuống giống tập trung hơn; quan tâm truy xuất nguồn gốc qua cấp mã số vùng trồng theo đơn hàng doanh nghiệp.

Về môi trường, nhờ xả lũ đưa nước vào đồng ruộng mà đất được nghỉ ngơi, các độc tố tích tụ trong đất bị rửa trôi. Nước vào đồng còn mang theo lượng phù sa bồi đắp cho ruộng lúa, góp phần duy trì độ màu mỡ của đất, từ đó nông dân giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm suy thoái môi trường, đất, nước…

Về mặt xã hội, chủ trương này có sự đồng thuận của nông dân, thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường. Nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường gắn liên kết tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Năm nay, huyện Phú Tân dự kiến sản xuất vụ thu đông trên 9.760ha thuộc 8 tiểu vùng: Bình Thạnh Đông, Đông Sườn Phú Lâm, Bắc Cái Tắc, Tây Trường Học, Tây Sườn Phú Lâm, Tây Sườn 3, Bắc Phú Lạc và Bắc Hòa Bình.

UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục thông tin, quán triệt trong nội bộ và Nhân dân thông suốt chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”; khẩn trương thông báo thời gian ngưng vụ/xả lũ để Nhân dân biết, chuẩn bị phương án, điều kiện cần thiết khi tiến hành xả lũ. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức vận hành linh hoạt các cống dưới đê để điều tiết mực nước lũ trong nội đồng.

Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát diện tích trồng cây ăn trái trong vùng ngưng vụ/xả lũ; thông báo, làm việc cụ thể từng hộ dân có phương án tự bảo vệ khi xả lũ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng hộ dân xuống giống rau, màu trong vùng xả lũ. UBND huyện còn yêu cầu tuần tra, kiểm tra tất cả tuyến đê bao.

Đối với tuyến đê có xả lũ, rà soát vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở (do sóng vỗ) để có phương án xử lý phù hợp. Chủ động xây dựng kế hoạch vận hành cống để chắt nước (khi lũ rút) góp phần đảm bảo công tác xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025 đúng lịch thời vụ.

Hàng năm, trước khi lũ về, Trạm Thủy nông huyện Phú Tân kết hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra cống, chuẩn bị tốt tình huống đóng cống ngăn lũ, đảm bảo sản xuất vụ thu đông được thắng lợi.

Ghi nhận ở vùng cao

Ngược lên vùng Bảy Núi, TX. Tịnh Biên là nơi vận hành 2 cống Tha La và Trà Sư kiểm soát lũ cho vùng hạ nguồn. Việc xả lũ của 2 cống trở thành hoạt động thường niên, nhằm kiểm soát lưu lượng dòng chảy, giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn; cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột... vùng hạ lưu. Đây còn là dịp để bà con nông dân cho đất “nghỉ ngơi”.

Đơn vị quản lý đóng cống Tha La, Trà Sư để điều tiết lũ

Những ngày này, nước về vùng đầu nguồn chưa nhiều. Nhẹ thả chiếc xuồng con trôi theo dòng kênh Vĩnh Tế, anh Nguyễn Văn Tiền (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) dõi mắt nhìn về cánh đồng giáp biên đang vào mùa lũ. Những ô ruộng cạnh bờ kênh nước đã ngập gần lút gốc rạ, hàng lưới của dân đặt dớn cắm sẵn đón mùa cá mới.

Anh Tiền chia sẻ: “Tính ra, nước năm nay cũng không nhích hơn mọi năm bao nhiêu. Dân câu lưới đã quen với sự thay đổi của con nước. Nước tới đâu, mình mưu sinh tới đó. Mấy hôm nay, cá dính lai rai nên tui kiếm sống được. Nếu so với thời trước, con nước lũ bây giờ đâu sánh được. Chỉ là, cá đồng hiếm thì giá cao lên, dân bà cậu nhờ đó mà còn bám víu được với nghề. Tui chỉ bắt cá đồng gần, chứ mấy anh em đi đổ dớn đồng xa cũng có mớ cá linh đầu mùa nên đời sống đỡ lắm”.

Đứng trên Đường tỉnh 955A phóng tầm mắt về phía giáp biên, vẫn thấy những ô ruộng xa còn xanh gốc rạ. Khoảng 1 tháng tới, con nước lũ sẽ tràn ngập cánh đồng, để cá có nơi đẻ trứng mà nuôi sống dân câu lưới. Phía trong 2 cống mở Tha La và Trà Sư, mực nước dưới kênh vẫn giữ ở mức ổn định, do đơn vị quản lý, vận hành công trình này đã đóng cống.

Ông Vương Hữu Tiếng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang, thông tin: “Khi mực nước ở thượng lưu cống đạt mức 1,5m, chúng tôi tiến hành đóng cống để điều tiết lũ, bảo vệ diện tích lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch. Dự kiến, cuối tháng 8/2024, sau khi nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên thu hoạch xong lúa hè thu, chúng tôi sẽ xin ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cho mở cống để xả lũ theo quy trình hàng năm”.

Việc vận hành 2 cống mở Tha La - Trà Sư đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên, nhất là tỉnh An Giang, Kiên Giang. Những năm qua, hoạt động này phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân sinh trong mùa lũ.

Các tiểu vùng ngưng sản xuất để xả lũ

UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1071/UBND-KTN, yêu cầu chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa, bão năm nay. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tích cực theo dõi, dự báo, cảnh báo sạt lở, tình hình khí tượng, thủy văn; tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, như: Sạt lở, mưa, giông, lốc, sét, mưa lớn, tình hình lũ năm 2024…

Ở góc độ địa phương, UBND TX. Tịnh Biên đã chủ động các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Triển khai đồng bộ giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh tại những khu vực xả lũ, khu vực ngập sâu do ảnh hưởng của lũ.

Đối với vùng xả lũ theo kế hoạch, UBND thị xã yêu cầu các xã, phường phải thường xuyên kiểm tra, gia cố cơ sở hạ tầng, đê bao, cống bọng; tăng cường tuyên truyền người dân không khai thác cá bằng ngư cụ cấm, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài.

Đảm bảo hài hòa

UBND huyện An Phú ban hành Kế hoạch 198/KH-UBND, ngày 15/12/2022 về việc sản xuất "3 năm 8 vụ" (giai đoạn 2023 - 2025) đối với tiểu vùng thuộc 5 xã, thị trấn bờ Tây sông Hậu và Bắc Cỏ Lau (xã Phú Hữu). UBND cấp xã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong cuộc họp chi bộ, sinh hoạt chi hội ở ấp… cho người dân biết về chủ trương sản xuất này. Hệ thống truyền thanh của huyện còn thường xuyên tuyên truyền để người dân chủ động khi tiến hành xả lũ.

Nước lũ tại những cánh đồng giáp biên

Ngày 14/7/2023, UBND huyện An Phú ban hành Công văn 833/UBND-NN và Thông báo 19/TB-UBND về việc dừng sản xuất vụ thu đông năm 2023 đối với tiểu vùng Bắc Mương Tám Sớm để tổ chức xả lũ định kỳ theo kế hoạch sản xuất “3 năm, 8 vụ”. Qua đó, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, UBND các xã tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi về việc tổ chức xả lũ.

Theo kế hoạch năm 2023, huyện An Phú xả lũ tiểu vùng Bắc Mương Tám Sớm với diện tích 1.057ha thuộc 5 xã, thị trấn bờ Tây sông Hậu. Tuy nhiên, đến ngày dự kiến xả lũ (ngày 20/8/2023), một số hộ dân kiến nghị dừng xả lũ để tiếp tục sản xuất do giá lúa ở mức cao.

Để giải quyết theo nguyện vọng của người dân, UBND huyện An Phú chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND xã Quốc Thái, Nhơn Hội tổ chức họp dân lấy ý kiến: Tiếp tục sản xuất hay dừng để xả lũ, kết hợp ký hợp đồng bơm tiêu chống úng phục vụ sản xuất vụ thu đông.

Qua tổ chức họp với 1.042 hộ dân có diện tích sản xuất vụ thu đông năm 2023, có 674 hộ dân đề nghị xả lũ, 110 hộ không có ý kiến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn thống nhất xả lũ đối với tiểu vùng Bắc Mương Tám Sớm.

Người dân thả lưới trên dòng kênh Vĩnh Tế

Để đảm bảo khung mùa vụ đông xuân 2023 - 2024 chung của tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện An Phú tiến hành mở cống cho nước vào đồng ruộng ngày 11/9/2023.

Trước đó, ngày 5/9/2023, UBND huyện An Phú chỉ đạo: “UBND xã Phú Hội, Nhơn Hội, Quốc Thái tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống phát thanh việc dừng sản xuất vụ thu đông năm 2023 và thời gian mở cống cho nước vào đồng ruộng (ngày 11/9/2023) đối với tiểu vùng Bắc Mương Tám Sớm…".

Vụ thu đông năm 2024 - 2025, huyện An Phú không tổ chức xả lũ đối với tiểu vùng 5 xã, thị trấn bờ Tây sông Hậu và Bắc Cỏ Lau. UBND huyện An Phú yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn liên quan tổ chức thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin của xã về việc dừng xả lũ để người dân chủ động sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng cũng đã có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND các xã, thị trấn và đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch sản xuất “3 năm, 8 vụ” đối với tất cả tiểu vùng trên địa bàn huyện giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, đề nghị UBMTTQVN, Hội Nông dân huyện phối hợp hỗ trợ UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghĩa vụ đóng phí dịch vụ bơm rút nước chống úng theo quy định.

HỮU HUYNH - MỸ HẠNH - THANH TIẾN