Nhiều tín hiệu khả quan
Năm 2023 vừa qua, giá lúa gạo tăng cao nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Nắm bắt cơ hội này, bà con nông dân tăng gia sản xuất, tranh thủ mùa vụ xuống giống lúa để tăng thu nhập. Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 gần 121.569ha.
Trong đó, diện tích trồng lúa trên 118.422ha, chiếm tỷ trọng cao nhất với 97,41%, sản lượng đạt gần 798.144 tấn; diện tích cây rau và cây màu chiếm tỷ trọng thấp 0,02%, tương đương với trên 3.146ha; đối với diện tích cây ăn trái (chuối cấy mô), một số hộ cải tạo đất và chuyển sang trồng lúa.
Theo UBND huyện Tri Tôn, năm 2023, diện tích thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác trên 1.264ha, đạt 56,19% so kế hoạch. Trong đó, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm 1.167ha, gồm: Dưa hấu, bắp, ớt, đậu, kiệu, rau dưa các loại. Bên cạnh đó, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm 95,4ha, gồm các loại cây trồng, như: Cà na, mít Thái, sầu riêng… Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 1,96ha.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí, nông dân quen canh tác cây lúa, chưa trồng nhiều các loại rau màu và các loại cây ăn trái mới. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mang nhiều hệ lụy, như: Đất đai bạc màu, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, chất lượng sản phẩm kém, dẫn đến dịch bệnh tăng cao và ảnh hưởng đến người tiêu dùng…
Huyện Tri Tôn phấn đấu trong năm 2024 chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn trái, với diện tích trên 2.387ha
Ngoài những yếu tố trên, nông dân còn gặp khó khăn do các đặc điểm về thổ nhưỡng. Ông Trí cho biết, xuất phát từ vùng đất ngập nước, nhiễm phèn nặng, sau thời gian dài cải tạo đất, đến nay, hầu hết các xã Vĩnh Phước, Lương An Trà, Vĩnh Gia… đều sản xuất được lúa. Riêng đối với cây ăn trái, việc đào mương, lên liếp cần tính toán kỹ nhằm đảm bảo bộ rễ cây phát triển tốt, tránh chạm đến tầng phèn tiềm tàng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây về sau.
Mặt khác, giá cả nhiều các mặt hàng nông sản biến động, chưa đánh giá được cung - cầu. Trong khi đó, đa số nông dân sản xuất tự phát, chưa có quy chuẩn và kế hoạch cụ thể nên gặp phải tình trạng rớt giá, hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, giá cả vật tư đầu vào tăng cao. Nông dân phần lớn chỉ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch chưa ứng dụng nhiều…
Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất
Năm 2024, huyện Tri Tôn phấn đấu thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn trái trên 2.387ha. Bên cạnh đó, cơ cấu lại vùng sản xuất rau, màu và cây ăn trái nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất. Đồng thời, thực hiện sản xuất rau, màu, cây ăn trái theo hướng bền vững, an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Mặt khác, việc chuyển đổi dựa trên việc hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông sản.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí, việc chuyển đổi phải bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 1,2m, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại…
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục lựa chọn và nhân rộng những giống mới phù hợp; năng suất, giá trị kinh tế cao theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường bên ngoài để nông dân nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư sửa chữa, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư; đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao; hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ…
MINH ĐỨC