Tri Tôn tập trung đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống

13/10/2020 - 07:32

 - Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tri Tôn (An Giang) lần thứ XII xác định phù hợp với định hướng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vừa qua. Việc tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng là động lực thúc đẩy huyện miền núi, biên giới, dân tộc Tri Tôn phát triển.

Kinh tế huyện miền núi Tri Tôn phát triển khá

Khai thác thế mạnh

Tri Tôn có diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh (60.023ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 53.576,1ha) nhưng cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (45.862/134.808 người, chiếm 34,02%), tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Xác định nông nghiệp giữ vai trò nền tảng của sự phát triển, Tri Tôn đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”.

Kết quả, trong 5 năm (2015-2020), diện tích sản xuất lúa tăng hơn 5.000ha, từ 103.300ha/năm lên 108.596ha/năm; chuyển đổi 4.190ha cây màu thay thế cây lúa; diện tích sản xuất lúa giống, liên kết tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn” tăng 4.164ha (từ 6.465ha lên 10.629ha); chuyển đổi 1.400ha diện tích trồng cây ăn trái và từng bước hình thành vùng chuyên canh chuối cấy mô, xoài, nhãn và cây có múi.

Năm 2020, giá trị sản xuất ngành trồng trọt (GO) ước đạt 3.568,8 tỷ đồng, tăng 207,7 tỷ đồng so năm 2016. Tri Tôn đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư dự án quy mô lớn, tạo việc làm cho lao động tại chỗ và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, huyện đã tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng, xem đây là khâu quan trọng phục vụ cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 5 năm qua, đã đầu tư 435 công trình với tổng vốn được hỗ trợ 299 tỷ đồng; hoàn thiện đê bao và đưa vào sản xuất lúa 3 vụ với diện tích 20.377ha; đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao gồm 4 hồ chứa nước và các trạm bơm vùng cao, phục vụ vùng đất triền núi sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Xác định du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao thu nhập của người dân, huyện đã huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Nhiều khu, điểm DL đã và đang được tiếp tục đầu tư như: dự án DL nông nghiệp và tâm linh hồ Tà Pạ, khu DL thể thao Soài Chek, đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc... Huyện Tri Tôn đã vận động sự đóng góp của nhân dân gồm hiến đất, kinh phí nhiều tỷ đồng làm các quảng trường, công viên, công trình văn hóa, tạo diện mạo mới để thu hút khách tham quan và thu hút nhà đầu tư đến với vùng đất núi.

Hướng đến phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã chỉ rõ 3 khâu đột phá gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ông Cao Quang Liêm cho biết, các khâu đột phát mà Đảng bộ huyện xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp với định hướng của tỉnh và điều kiện thực tế của huyện. Theo đó, 3 khâu đột phá của Tri Tôn là: huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó coi trọng sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp và phát triển đô thị; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, kinh tế nông nghiệp và DL; tập trung mời gọi, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, DL và công nghiệp chế biến.

“Từ quan điểm, định hướng và giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện đã đề ra, Tri Tôn quyết tâm cùng với bộ đội biên phòng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời phát huy lợi thế của huyện để đưa huyện Tri Tôn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới” - ông Liêm nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin, thời gian tới, địa phương tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, cụ thể triển khai nhanh dự án bò sữa của Tập đoàn TH, dự án điện mặt trời và năng lượng cao của Công ty Cổ phần Nam Việt, các nhà máy điện sinh khối... đồng thời đưa nhanh nhà máy sản xuất chế biến gạo của Tập đoàn Tân Long vào hoạt động.

Trên lĩnh vực DL, huyện sẽ phát huy tối đa lợi thế DL sinh thái, thể thao, văn hóa tâm linh, lịch sử cách mạng. “Huyện phát động khai thác DL đồi Tức Dụp, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đầu tư kêu gọi phát triển DL ở hồ Soài Chek, Soài So, Tà Pạ, Ô Thum và các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa lễ hội Khmer, hội đua bò Bảy Núi...” - ông Liêm thông tin.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, trên địa bàn huyện hiện có nhiều doanh nghiệp cần vận chuyển số lượng hàng hóa tải trọng lớn để chuyển về cảng như: gạo, chuối, heo… nhưng hệ thống đường nhỏ, cầu yếu, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tri Tôn đề nghị tỉnh quy hoạch thêm các tuyến đường nối các tỉnh lộ như: Tỉnh lộ 945 nối Tỉnh lộ 943 (xã Tà Đảnh qua Núi Tô); nâng cấp mở rộng đường ngã ba cầu Lạc Quới vào trung tâm thị trấn Ba Chúc; nâng cấp đoạn 12km từ kênh Vĩnh Tế vào xã Lương An Trà… Những tuyến đường này sẽ tạo đột phá cho Tri Tôn phát triển nhanh và bền vững.

NGÔ CHUẨN