Triển khai đồng loạt hệ thống thu phí không dừng ePass

29/12/2020 - 13:41

Sáng 29-12, tại trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ra mắt hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng ePass, triển khai đồng loạt tại 35 trạm thu phí trên cả nước.

Giảm thời gian qua trạm khoảng 60 lần

Như vậy, với việc triển khai đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) mang tên ePass, Viettel đã hoàn thành dự án đúng thời hạn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, triển khai tại 35 trạm trong vòng sáu tháng, tăng trưởng hơn 80% so với số lượng trạm ETC thực hiện trong bốn năm trước đó, nâng tổng số lên 91 trạm, đạt gần 40% số lượng trạm thu phí trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, đối với thế giới, công nghệ ETC không có gì xa lạ, nhưng với Việt Nam còn khá mới mẻ. Trong thời gian qua, ngành giao thông đã mạnh dạn đưa công nghệ ETC ứng dụng trong lĩnh vực đường bộ, nhằm hạn chế sự tác động của con người vào công tác thu phí và thay thế nhân công trong hoạt động thu phí thủ công, hướng tới giao thông thông minh.

Dự án ETC được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 (BOO 1) đã thực hiện được 40/44 trạm (trừ bốn trạm thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC do chưa bố trí được nguồn vốn), giảm các phương tiện qua làn 1 dừng và lưu thông qua làn không dừng, hiện đang hoạt động tốt. Tại giai đoạn 2 (BOO 2), Bộ GTVT tiếp tục triển khai lắp đặt ETC ở 35 trạm, có sự tham gia của Viettel.

Trong số 35 trạm thuộc BOO 2, Công ty VDTC thực hiện 25 trạm theo cam kết với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), 10 trạm VDTC chủ động đàm phán, ký với các nhà đầu tư BOT. Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass của VDTC, thời gian đi qua trạm thu phí giảm tới khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công, ngoài ra khách hàng còn được trải nghiệm dịch vụ trên nền tảng số từ đăng ký dịch vụ, phục vụ dán thẻ, thanh toán, chăm sóc khách hàng.

Khi triển khai BOO 2, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thay thế bằng Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng. Theo đó, triển khai dự án ETC, không phải là trách nhiệm của riêng Bộ GTVT mà của nhiều đối tượng như nhà đầu tư BOT, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ và các bộ, ngành, có sự phối hợp đồng bộ mới có thể thành công.

Để đưa hệ thống đi vào hoạt động đồng nhất, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thu phí không dừng, Viettel đã ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới như công nghệ nhận diện ảnh, biến thông tin trong ảnh thành chữ viết tự động điền vào phiếu đăng ký (OCR). Đây là công nghệ xử lý ảnh với độ chính xác cao, giảm thời gian đăng ký dịch vụ cho khách hàng và giảm chi phí cho công tác nghiệp vụ hậu kiểm, đối soát.

Bên cạnh đó, Viettel còn áp dụng hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) được Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp thanh toán ngay lập tức (real-time). Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng khẳng định, các đơn vị liên quan đã cơ bản thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện hệ thống ETC trước ngày 31-12-2020. Tất cả các trạm thu phí BOT đều được lắp đặt làn thu phí ETC. Một số dự án thời gian thu phí còn lại ngắn, hoặc doanh thu thấp, được kiến nghị không lắp đặt ETC để tránh lãng phí, hài hoà lợi ích giữa các bên,...

Hình thức thu phí thông minh, tiết kiệm chi phí

Yêu cầu của Bộ GTVT là hai dự án BOO 1 và BOO 2 phải được kết nối chặt chẽ với nhau để thực hiện đồng nhất ETC trên toàn quốc tại tất cả các trạm thu phí BOT, tìm ra giải pháp tiện ích nhất cho người dân, bảo đảm công khai, minh bạch. Trong thời gian tới, các đơn vị có thể điều chỉnh số làn thu phí, đóng của một số làn thu phí thủ công. Đến thời điểm nào đó phù hợp, sẽ phủ hết tất cả làn thủ công bằng làn ETC.

Hai loại thẻ ePass và Etag của hai nhà cung cấp dịch vụ đều đạt tiêu chuẩn của hệ thống ETC. Tổng cục đã tiến hành kết nối liên thông, các chỉ số, kết quả đạt tốt, từ ngày 31-12-2020, toàn bộ các trạm BOT trên cả nước sẽ được kết nối với nhau an toàn. Người dân dán thẻ Etag và ePass đều có giá trị như nhau, xe qua trạm nào trạm đó xuất hóa đơn, doanh thu của dự án nào sẽ về đúng địa chỉ dự án đó, không gặp trở ngại gì về việc trừ tiền, bởi tất cả đều được kết nối liên thông giữa ngân hàng với các nhà đầu tư.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định: “Hiện các văn bản pháp lý chưa có quy định bắt buộc phương tiện phải dán thẻ ETC, nhưng biển báo hiệu đường bộ đã ghi rõ các làn phương tiện được phép chạy vào, nếu xe chưa dán thẻ mà cố tình chạy vào làn ETC sẽ bị xử phạt. Đã đến lúc chúng ta phải áp dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội, vì vậy việc triển khai ETC là tất yếu. Người dân nên dán thẻ càng sớm càng tốt vì đây là hình thức thông minh, tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo vệ môi trường. Về sau này, khi hệ thống đồng bộ, sẽ áp dụng quy định nếu xe không dán thẻ, sẽ không được đi vào đường cao tốc”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Một thực trạng khó khắc phục ở nước ta hiện nay khi áp dụng giao thông thông minh (ITS) chính là thiếu sự đồng bộ. Chính vì thế, thẻ ETC nếu chỉ được sử dụng trên một vài tuyến cao tốc, người tham gia giao thông sẽ vẫn phải dừng chờ mua vé ở các tuyến khác, sẽ vẫn gây ùn tắc giao thông và giảm hiệu quả của hình thức thanh toán điện tử. Hệ thống giao thông sẽ khó trở thành “thông minh” nếu các địa phương, bộ, ngành không thể tận dụng những dữ liệu của nhau để xây dựng một hệ sinh thái giao thông an toàn, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia giao thông.

Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng nhấn mạnh: Khi xây dựng dự án, Viettel đã định hướng rõ các mục tiêu: giúp lái xe lưu thông thuận tiện; kiểm soát mọi xe qua trạm bằng công nghệ, kỹ thuật, bảo đảm minh bạch tuyệt đối và giảm một lượng lớn nhân công bán vé, thu tiền tại các trạm. Với lợi thế là một tập đoàn viễn thông, Viettel có mạng lưới viễn thông phủ khắp đất nước, không phải thuê kênh sử dụng hạ tầng viễn thông như các nhà đầu tư khác. Đội ngũ nhân sự hùng hậu của Viettel hiện trải khắp trên phạm vi toàn quốc, trên tất cả các địa bàn từ thành phố, đô thị đến vùng sâu, vùng xa, đây là một lợi thế so sánh rất lớn.

Mặt khác, Viettel hiện có tiềm lực công nghệ thông tin và an toàn mạng lưới đứng đầu cả nước, đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên cả nước. Đồng thời, Viettel cũng là nhà sản xuất, nhiều thiết bị, công nghệ phục vụ hệ thống do Viettel tự sản xuất và làm chủ. Khi xây dựng mạng lưới hoàn thiện, các thiết bị tự mình sản xuất, tính an toàn, bảo mật càng được nâng cao.

Chúng tôi đã xác định trách nhiệm của mình trong việc đưa các giải pháp công nghệ vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước và người dân. Với việc triển khai ePass, chúng tôi cam kết cùng ngành GTVT thực hiện những bước khởi đầu của hệ sinh thái giao thông số, giao thông thông minh.

Theo MINH TRANG (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích