Sản phẩm được hỗ trợ quảng bá tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong tỉnh
Canh tác theo hướng an toàn
Trong 5,3ha, ông Nguyễn Quốc Hùng trồng 3.000 cây bưởi da xanh. Ông Hùng cho biết, phần diện tích này trước đây dùng để canh tác lúa. Hiệu quả kinh tế không cao, gia đình ông muốn tìm loại cây trồng khác thay thế. “Trong 1 lần tham dự lễ trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” tại thủ đô Hà Nội, tôi tiếp xúc với nhiều nông dân đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cũng từ đó, tôi biết thêm nhiều mô hình sản xuất mới, trong đó có mô hình trồng bưởi. Khi về nhà, tôi quyết định chuyển đổi 5,3ha đất trồng lúa để trồng bưởi da xanh. Lý do tôi chọn giống cây trồng này vì có giá trị kinh tế cao. Đây là loại trái cây được thị trường ưa chuộng, đầu ra khá ổn định” - ông Hùng chia sẻ.
Chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, ông Hùng gặp rất nhiều khó khăn. Phần diện tích đất bị nhiễm phèn, mất thời gian, công sức khử chua, cải tạo. Mặt khác, do đất ruộng nằm cạnh sông, ông Hùng tốn thêm chi phí để gia cố đê bao ngăn lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái... Ông Hùng tâm sự: “Ngoài vốn đầu tư khá lớn, gia đình tôi gặp khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Rất may, nhờ chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện cùng các nhà khoa học nhiệt tình hỗ trợ, nên việc canh tác ngày càng cải thiện. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường lên mạng Internet để học hỏi kinh nghiệm từ nông dân địa phương khác. Kiến thức tích góp được giúp việc sản xuất ngày càng thuận lợi hơn”.
Luôn tâm niệm: “Muốn thành công, phải làm khác”, ông Nguyễn Quốc Hùng mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGap trên diện tích bưởi da xanh. Trong quá trình canh tác, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, phân rơm), hạn chế sử dụng phân vô cơ. Thuốc bảo vệ thực vật phải là chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, ông Hùng xây dựng nhà kho phân bón, nơi pha thuốc bảo vệ thực vật; ghi nhật ký phun thuốc... Đặc biệt, ông sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ tưới tiêu, phun thuốc. Phương pháp này không những góp phần giảm chi phí sản xuất, mà còn tạo thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng từ việc “bán điện” lại cho nhà nước. Thời gian tới, ông Hùng dự kiến thử nghiệm phương pháp tưới tự động bằng điện thoại thông minh, để giảm bớt thời gian, công sức...
Phát triển sản phẩm OCOP
Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ông Hùng giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng cho nông sản. Sau 3,5 năm trồng, cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất vụ đầu tiên khoảng 20 tấn trái. Những năm tiếp theo, cây phát triển mạnh, năng suất ngày càng tăng theo. Năm vừa rồi, ông Hùng thu hoạch khoảng 60 tấn trái, giá 30.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Bưởi da xanh có thể xử lý cho trái quanh năm. Tuy nhiên, ông tính toán thời điểm để xử lý cho cây ra hoa, tạo trái và thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán để bán được giá cao hơn.
Điều phấn khởi là nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, bưởi được đánh giá an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ mạnh ở siêu thị, chợ đầu mối trong tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, ngoài chuẩn VietGAP, bưởi da xanh của ông Hùng còn đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Ông Hùng phấn khởi: “Được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao giúp cho bưởi da xanh của chúng tôi tạo được uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi được hỗ trợ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm... Từ đó, góp phần mở rộng thêm thị trường cho sản phẩm”.
Thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng đang tích cực thực hiện những công đoạn cuối để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022. Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, bưởi da xanh ông có chất lượng đồng đều, vượt trội... hứa hẹn có thu nhập tốt để mang lại cái Tết sung túc.
“Năm ngoái, chúng tôi được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nên bưởi được tiêu thụ thuận lợi. Hy vọng Tết năm nay, gia đình tôi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương trong việc tiêu thụ nông sản, để gia đình tôi có thêm động lực sản xuất” - ông Hùng bày tỏ. |
ĐỨC TOÀN