Sơn La phấn đấu trồng 14,2 triệu cây xanh
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", tỉnh Sơn La luôn xác định, trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền quá trình phát triển toàn diện của địa phương. Vì vậy, mỗi dịp đầu Xuân mới, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đều ra quân trồng cây, trồng rừng, mở đầu cho phong trào trồng cây hàng năm, các địa phương, đơn vị tích cực hưởng ứng. Hành động này đã trở thành nét đẹp văn hóa, mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt.
Theo kế hoạch, Sơn La phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh trồng được 14,2 triệu cây xanh; trong đó có 5 triệu cây phân tán và 9,2 triệu cây trồng rừng, tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương, nhân dân hăng hái trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, nâng cao ý thức và biện pháp hữu hiệu bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.
Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Sơn La và các đại biểu tham gia trồng 70 cây dọc tuyến đường Lê Hiến Mai.
Quảng Ninh trồng mới gần 20 ha
Người dân xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên tham gia Tết trồng cây tại khu vực rừng cộng đồng thôn Đồng Đình. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, dịp này, toàn tỉnh trồng gần 30.000 cây giống các loại như lim, giổi, lát… trên diện tích gần 20 ha.
Huyện Tiên Yên được chọn là địa phương diễn ra lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ cấp tỉnh. Tại khoảnh 10, Tiểu khu 242, khu vực rừng cộng đồng thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, khoảng 2 ha cây giổi được trồng mới, thêm vào đó là 100 cây chay được trồng dọc tuyến đường vào nhà văn hóa dân tộc Tày thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ. Năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt trên 31.847 ha, gồm 2.724 ha rừng phòng hộ và 29.123 ha rừng sản xuất, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường nhấn mạnh: Tết trồng cây là truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, các địa phương. Thời điểm này, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân chuẩn bị đầy đủ điều kiện về đất đai, vật tư, cây giống, sẵn sàng cho Tết trồng cây và trồng rừng vụ Xuân. Quảng Ninh xác định trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng lim, giổi, lát, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng được giao trong quý I/2025.
Bà Vi Thị Liều, thôn Hua Cầu, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên chia sẻ: “Sau bão số 3 (Yagi), diện tích rừng của gia đình tôi thiệt hại nặng nề. Chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực, vật lực, cây giống để trồng lại diện tích rừng bị gãy đổ; chăm sóc tốt sau trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao giá trị rừng trồng".
Năm 2024, siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh với trên 128.000ha rừng bị gãy đổ, tỷ lệ che phủ rừng giảm ước còn 42%, tổng giá trị thiệt hại ước trên 5.000 tỷ đồng.
Xây dựng khuôn viên doanh trại xanh - sạch - đẹp
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 3 Hải quân cùng cán bộ, chiến sĩ chăm sóc cây. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 3 Hải quân nhấn mạnh, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, lợi ích của việc trồng cây, tạo bóng mát. Đồng thời giảm nhẹ thiên tai, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng khuôn viên doanh trại ngày càng chính quy, xanh - sạch - đẹp; tạo khí thế, tinh thần làm việc hăng say trong đơn vị ngay từ những ngày đầu năm.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, chiến sĩ khối cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cùng các đơn vị trong toàn Vùng trồng mới được 137 cây ăn quả, 1.478 cây bóng mát, lấy gỗ; 260 cây cảnh, 399 bồn hoa; 1.200 m2 thảm cỏ và chăm sóc hệ thống cây, bồn hoa, thảm cỏ hiện hữu.
Trồng cây xanh cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trồng cây tại Lễ phát động. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân Hậu Giang tích cực hưởng ứng. Hoạt động nhằm thực hiện lời dạy của Bác “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”; đồng thời tuyên truyền lợi ích của việc trồng cây, qua đó, động viên các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia trồng cây gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thăm hỏi, động viên nông dân sản xuất lúa theo mô hình "Canh tác lúa thông minh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính" tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.
Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang mong muốn, hợp tác xã tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình sản xuất, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp cùng cả nước hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP 28.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại 6/8 đơn vị cấp huyện gồm: Thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có 46.000 ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp. Theo đó, lượng giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/ha; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 70%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 8%; 100% diện tích thu hoạch được thu gom rơm khỏi đồng ruộng, tái sử dụng hoặc được xử lý không ô nhiễm môi trường; giảm trên 10% phát thải khí nhà kính...
Theo Báo Tin Tức