Ông Võ Văn Chiến ở xã Phú Bình (Phú Tân) làm 25 công ruộng. Tận dụng đất bờ đê, 2 năm nay ông trồng thêm cây điên điển. Ông Chiến chia sẻ: “Ban đầu trồng chơi, hái được bao nhiêu thì bán đổi tiền chợ, sau thấy được giá nên có chỗ nào đất trống tôi đều trồng hết. Loại này mà có đầu ra ổn định thì nông dân có thể phát triển, hiện tại chỉ bán trung gian qua bạn hàng, nhưng có bao nhiêu đều được mua hết”.
Điên điển ông Chiến trồng là giống Đài Loan chia sẻ từ các hộ trồng lâu năm ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), cây vốn ưa đất cạn, ẩm và sinh trưởng rất khỏe, không tốn công chăm sóc. Bông được hái mỗi ngày nên cây ít phát sinh sâu bệnh. Thời điểm cho bông thu hoạch, cây trổ nụ chi chít từ cành đến ngọn, mỗi ngày hái được khoảng 10kg. Chỉ riêng 100m đê trồng điên điển gần nhà, ông đã bỏ túi gần 200.000 đồng/ngày.
Ông Chiến còn nói vui, ai làm rẫy mà lười chăm sóc thì cứ chọn điên điển mà trồng, chỉ cực công hái từ khuya đến sáng, còn lại bỏ mặc cây sống tự nhiên nhờ mưa nắng, chuyện trúng hay thất không phải lo. Điên điển Đài Loan đặc trưng bông màu vàng tươi rất đẹp, mùi thơm, kể cả bông còn búp cũng có vị ngọt, chứ không nhẫn như giống điên điển Thái hoặc điên điển truyền thống.
Giá bông điên điển thu mua tại chỗ dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông huy động hết thành viên hái từ tờ mờ sáng gom được hơn 20kg, gọi là thu nhập phụ nhưng dư sức lo bữa ăn hàng ngày lẫn tiết kiệm. Cùng cách làm như ông Chiến, trong vùng có khoảng 20 hộ trồng điên điển ở bờ đê, xen trong vườn cây ăn trái, lấy ngắn nuôi dài.
Điên điển được trồng quanh năm đem lại thu nhập phụ ổn định cho nông dân
Ở ấp Hòa Bình 2, xã Hòa Lạc (Phú Tân) có khoảng 50 hộ trồng điên điển. Tại vùng này, điên điển trồng quy mô hơn để thu hoạch quanh năm, cây mọc cao hơn 2m, muốn hái phải dùng thang hoặc móc kéo ngọn xuống. Dù vất vả khâu thu hoạch nhưng diện tích điên điển được người dân trồng ngày càng nhiều để thay thế cho lúa kém hiệu quả hoặc những nơi diện tích nhỏ, cá biệt có hộ đã gắn bó với cây điên điển đến chục năm.
Với những hộ trồng diện tích lớn, cao điểm những lúc hút hàng, bông điên điển có thể cho thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Từ 23 giờ, cả xóm nhộn nhịp chong đèn hái bông để kịp giao cho bạn hàng vào sáng sớm.
Nhờ chịu khó, bông điên điển giúp gia đình anh Võ Văn Quang có “đồng ra, đồng vào” liên tục, lo cho con ăn học và trang trải sinh hoạt. Khoảng 4 công đất được chia nhỏ trồng các tháng khác nhau. Bông hái kéo dài 3-4 tháng rồi ngưng, lại tiếp tục hái ở khu vực khác. Một năm, anh chỉ tốn chi phí nhỏ bón phân dưỡng lá cho cây. Theo anh Quang, giá điên điển ngoài chợ mùa nào cũng cao, bởi được ưa chuộng mua chế biến thành các món ngon, đặc biệt là ăn kèm lẩu, đổ bánh xèo, chiên giòn với tép, cá. thời điểm giá thấp nhất còn 10.000 đồng/kg vẫn có thể kiếm được 150.000-200.000 đồng/ngày cho gia đình.
Ngụ cùng xã Hòa Lạc, hộ anh Lê Văn Võ vừa làm ruộng, vừa nuôi bò vỗ béo. Xen với đất trồng cỏ, anh gieo thêm điên điển để lúc rảnh rỗi kiếm thêm tiền. Hướng mắt về đám điên điển đang sai bông, anh Võ cho biết: “Ngày nào hái không kịp là bông nở kín hết, ai thấy cũng ham. Cứ để cây mọc tự nhiên rồi thu hoạch, chứ đâu tốn công chăm sóc. Mà người mua còn chuộng bởi nó là loại rau dại và sạch, hoàn toàn không cần tới phân, thuốc, càng hái sạch bông cây càng trổ sai những đợt sau. Điên điển bây giờ phải trồng, chứ loại tự nhiên không còn phổ biến nữa, mà nhiều giống lạ lắm, gặp nước nó lại không phát triển tốt bằng chỗ trên cạn, nơi đất xốp mềm”.
Với cách tăng thu nhập này, len lỏi giữa những vườn cây ăn trái, trên đồng ruộng, đất bờ rào, bông điên điển hiện hữu quanh năm, còn những ai bất chợt thèm mùi vị bông điên điển cũng được thỏa lòng bởi mùa nào cũng có.
MỸ HẠNH