Trồng mè trên đất ruộng

13/05/2020 - 04:13

Trồng mè trên đất ruộng trong vụ xuân hè, hè thu không những mang lại hiệu quả kinh tế do cây mè thích nghi điều kiện thời tiết khô hạn, mà còn giúp nông dân hạn chế các loại sâu bệnh gây hại cho lúa trong vụ tiếp theo. Cách làm này đã và đang được nông dân ở nhiều địa phương áp dụng.

Dễ trồng, ít tốn công chăm sóc

Trước đây, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) thường có tập quán tiếp tục canh tác lúa sau vụ đông xuân. Vụ mùa này thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 nên nhiều nông dân gọi là vụ xuân hè. Tuy nhiên, thời điểm này nếu tiếp tục canh tác cây lúa thì nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi như: nắng nóng, thiếu nước tưới, mưa thất thường; tình hình sâu bệnh, dịch hại diễn biến phức tạp hơn…

Điều này dẫn đến năng suất thấp, rủi ro cao, lợi nhuận không khả quan. Khoảng những năm 2005, chính quyền địa phương bắt đầu triển khai mô hình “2 lúa, 1 màu”, đồng thời chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác mè cho nông dân. Từ đây, cây trồng này được nông dân lựa chọn canh tác cho đến nay.

Ông Võ Văn Hiên (nông dân ấp Mỹ Thuận), sau nhiều năm canh tác mè cho biết, đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít chịu sự ảnh hưởng từ sâu bọ, dịch bệnh nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp. Đây còn là cây trồng có khả năng chịu hạn cao, có thể trồng trên đất cát pha khô cằn và đất ruộng thiếu nước... chỉ cần tưới đủ nước là cây phát triển và cho năng suất cao. Tuy nhiên, cây mè sẽ dễ bị chết úng nếu không xử lý thoát nước kịp thời. Do đó, đòi hỏi nông dân phải làm đất thật kỹ và bảo đảm thoát nước khi tưới hoặc khi có mưa nhiều.

Ngoài ra, cây mè cũng có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như: sâu xanh ăn lá, ăn trái, bệnh héo rũ cây con… Sâu tập trung nhiều ở giai đoạn cây trổ bông và tạo trái, nếu bị nặng sẽ làm giảm năng suất. Để hạn chế bị thiệt hại, theo kinh nghiệm của ông Hiên, nông dân cần thăm ruộng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Trồng mè vụ 2 hiệu quả kinh tế cao

Cây mè có thời gian sinh trưởng từ 70-80 ngày. Theo ông Hiên, không nên để cây chín quá, trái sẽ nổ, hạt rơi làm thất thoát. Mè thu hoạch lúc trời nắng ráo, phơi khô rồi dùng máy nhai lúa để ra hạt. Mè phơi càng khô, tỷ lệ hạt ra theo cây càng thấp và hạt càng sạch.

“Mè là loại cây có thể trồng quanh năm, tùy theo điều kiện của từng vùng mà chọn thời điểm xuống giống thích hợp. Thông thường, cây mè được trồng ở vụ xuân hè, hè thu vì lúc này tình hình thời tiết thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển”- ông Hiên thông tin.

Lợi nhuận hấp dẫn

Cũng như nhiều địa phương khác, nông dân xã Hòa Bình (Chợ Mới) cũng chọn cây mè để canh tác trong vụ 2. Ông Võ Văn Ghe (nông dân ấp An Thạnh) cho biết, vụ này, gia đình ông vừa thu hoạch xong 7 công mè. Thời điểm thu hoạch đạt năng suất 160kg/công và được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công.

“Giá mè trên thị trường khá ổn định, thương lái đến tận ruộng để thu mua nên rất thuận lợi cho nông dân. Không phải năm nào cũng “trúng mùa, trúng giá” nhưng trồng mè luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân” - ông Ghe chia sẻ.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, trồng mè luân canh trong vụ xuân hè, hè thu còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Bởi, sau khi trồng mè, gieo sạ lại lúa thì thường trúng mùa, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm, do đất được cải tạo và các mầm sâu bệnh hại lúa bị tiêu diệt.

Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng mè đang được nhiều địa phương áp dụng để ứng phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn. Đây là một trong các giải pháp được các nhà khoa học khuyến khích nông dân áp dụng để vừa tăng thu nhập, vừa hạn chế sâu bệnh trên lúa, tiết kiệm lượng nước sử dụng và có thể sản xuất bền vững. Ngoài ra, trồng mè còn góp phần tạo việc làm cho lao động thời vụ tại các địa phương, với mức thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.

ĐÌNH ĐỨC