Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đổi mới ứng dụng công nghệ và sở hữu trí tuệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Do đó, đơn vị tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 chương trình trên. Với Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, từ năm 2022 đến nay, đơn vị tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ trong nước đối với 43 nhãn hiệu cho 25 tổ chức, cá nhân, tổng kinh phí 549 triệu đồng.
Các doanh nghiệp (DN) sau khi được hỗ trợ đã khai thác, phát triển tốt tài sản trí tuệ, khẳng định thương hiệu trên thị trường, như: Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (TP. Long Xuyên), Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn), Hộ kinh doanh Quán ăn Lâm Tỷ (TX. Tân Châu)... Việc công nhận, đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu gắn với quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng nhanh tỷ lệ nông sản được dán nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường... đã giúp khai thác hiệu quả sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh thời gian qua.

An Giang hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản phẩm nông sản
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ đã tiếp cận 54 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị cho tổ chức, cá nhân, tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất, cơ sở ươm tạo công nghệ cao thực hiện chuyển giao và ứng dụng, đổi mới công nghệ, góp phần tăng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã tác động tích cực đến thực tiễn đặc thù của ngành nông nghiệp An Giang, trong đó có nhiều dự án liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, đã hỗ trợ các DN tư nhân: Hồng Phát, Đức Hưng và Hòa Nam ứng dụng máy tách màu AnySort C640 trong dây chuyền chế biến, nhằm nâng cao chất lượng gạo thành phẩm, tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng; hỗ trợ DN tư nhân Nam Thành ứng dụng máy tách màu 6SXM-1008FS, có nhiều tính năng vượt trội so với máy AnySort C640. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng trang trại nuôi heo thịt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Khang tại TX. Tịnh Biên. Công ty xây dựng 4 chuồng heo thịt theo hướng công nghệ cao, sản xuất 2 vụ/năm, mỗi vụ 1.100 con/chuồng, giúp tăng lợi nhuận 150 triệu đồng so phương pháp truyền thống. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi này còn cho thấy hiệu quả về độ an toàn trong thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Nhìn chung, việc thực hiện các chương trình hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy việc tăng cường hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh so với thị trường trong, ngoài nước. Nhận thức của người sản xuất - kinh doanh nông sản thay đổi tích cực, khi quan tâm hơn về việc tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, dù quan tâm đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhưng sau khi được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các địa phương vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch phát triển cho từng nhãn hiệu, như: Tăng số thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu, quảng bá và phát triển thị trường, tổ chức quản lý chặt chẽ, tổ chức đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo vệ nhãn hiệu. Đối với nhãn hiệu tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã là chủ nhãn hiệu lại chưa chú trọng đến việc vận động hộ sản xuất đăng ký, sử dụng, quảng bá, phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.

Các tổ chức, cá nhân cần xây dựng kế hoạch phát triển cho từng nhãn hiệu sản phẩm
Sở Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương rà soát các nội dung để trình UBND tỉnh đề xuất xin gia hạn thời gian hiệu lực của Quyết định 71/2019/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, để có thể tiếp tục hỗ trợ dự án, tập huấn kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đồng thời, xin ý kiến UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh trong năm 2025.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 2338/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Trong đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu cộng đồng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh, như: Nhãn Mỹ Đức, nhãn Khánh Hòa, đường thốt nốt Tịnh Biên, bắp bao tử Chợ Mới, khô cá Thoại Sơn…
MINH QUÂN