Lang thang theo mùa làm đất trên đồng

25/04/2025 - 06:58

 - Mùa lúa chín vừa gặt xong, nông dân tất bật vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất chuẩn bị gieo sạ vụ tiếp theo. Quanh năm, bà con quần quật trên đồng để mang hạt ngọc vươn xa thế giới.

Nông dân gặt lúa xong thì chuẩn bị làm đất xuống giống vụ hè thu

Mùi khói lam chiều

Từ Quốc lộ 91, quẹo qua con đường tránh xẻ ngang cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, trông mê mắt. Xa xa, những thửa ruộng vừa gặt xong, phần phụ phẩm rơm được bà con gom lại bán cho mối lái, kiếm thêm thu nhập. Còn những gốc rạ vươn cao, nông dân cho máy cắt sát, rồi đốt để vệ sinh đồng ruộng. Buổi chiều tà, nhìn làn khói bay la đà, chúng tôi nhớ man mác về ký ức tuổi thơ đã từng theo chân nông dân ra đồng đốt rơm rạ sau mùa gặt. Hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên đốt đồng, vì ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, nông dân chỉ đốt phần gốc rạ vừa đủ, không đốt lượng rơm quá nhiều theo kiểu sản xuất truyền thống trước đây.

Ngày trước, chưa có đê bao, nông dân chỉ sản xuất 2 vụ (đông xuân và hè thu), rồi nghỉ xả hơi 2 tháng trong mùa lũ. Thường, họ chỉ đốt đồng sau khi thu hoạch vụ đông xuân do nắng tốt, rơm khô. Còn vụ hè thu gặp thời tiết mưa dầm, nông dân thu hoạch lúa xong là bỏ luôn rơm trên đồng, cho lũ cuốn trôi hoặc tự hoai mục. “Hồi đó, thu hoạch lúa xong, lượng rơm nông dân cho không hoặc sử dụng trồng nấm, làm thức ăn cho trâu bò ăn. Giờ đây, nguồn rơm được nông dân thu gom bán lại cho mối lái kiếm thêm thu nhập” - anh Chín (nông dân xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) cho hay. Cạnh bờ đê, chúng tôi bắt gặp nhiều nông dân vệ sinh đồng ruộng xong, tranh thủ bơm nước lên để trục, trạc đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu. “Tranh thủ thời tiết tốt gieo sạ lúa thuận lợi, hạt lúa lên đều trên mặt ruộng”- anh Hải (trồng hơn 20 công ruộng) cho hay.

Sau khi đốt đồng, lượng tro còn sót lại nằm trên mặt đất, nông dân thuê máy cày, xới đất. Nguồn tro trộn với lớp đất nhuyễn sẽ tạo thành lớp phân hoai mục, là dưỡng chất tốt để cây lúa phát triển. Đến con đường ven bờ kênh Trà Sư, chúng tôi thấy nông dân đang cặm cụi vặn lại từng con ốc vít của chiếc máy xới đất. Mùa này được xem là mùa làm ăn của nông dân chuyên phục vụ xới, trục, trạc đất thuê cho bà con. Ngoài làm đất nhà, họ tận dụng chiếc máy của mình “kiêm” luôn chuyện làm thuê trên đồng. Mỗi năm, họ đi khắp nơi cày, xới, trục, trạc trên 5.000 công đất ruộng cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Duyên (50 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế) cho hay, vừa xới, trạc đất trên mảnh ruộng nhà xong thì ông quay sang làm cho nông dân lân cận. Vụ hè thu, nông dân tranh thủ làm đất để sạ lúa tránh mưa. Do đó, ông Duyên phải làm nhanh để nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Hiện tại, ông đầu tư 3 chiếc máy xới, số tiền 100 triệu đồng. Mùa làm đất, ông bỏ túi hơn 50 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Tăng độ tơi xốp của đất

Ông Duyên nói rằng, nghề làm đất rất cực, nông dân kêu làm liên tục từ mờ sáng cho đến chạng vạng tối trên đồng. Nhiều khi mải miết làm mà quên ăn, uống. Mùa này, nắng chang chang, nhưng ông Duyên làm rất đắt, nên quên đi mệt nhọc. Nhờ vậy, ông có thêm thu nhập nuôi gia đình. Tuy nhiên, cực nhất là lúc máy hư, phải tìm thợ sửa. Những năm đầu mới vào nghề, mỗi khi máy móc trục trặc, ông Duyên phải cực công khiêng máy ra tận xưởng cơ khí để sửa. Dần dà, trong cái khó ló cái khôn, nhiều lần máy móc bị sự cố, ông Duyên “học lóm” được nghề sửa máy, sửa ngay tại đồng rất tiện lợi.

Nhìn sang chiếc máy xới bên kia, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ đang hì hục vặn bu-lông bánh xe máy xới. Từ trước đến nay, chuyện đồng áng, điều khiển máy móc đều do cánh đàn ông khỏe mạnh đảm nhận. Nhưng thật ngạc nhiên, phần việc nặng nhọc này lại có một “bóng hồng” tham gia xuyên suốt. Bà tên Lê Thị Thu, năm nay vừa bước sang tuổi 55 (ngụ ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế). Lấy hết sức lực để vặn từng con bu-lông, bà Thu tâm sự: “Cách đây 30 năm, tôi từng theo cha mình xới đất trên đồng. Hồi đó, chưa có máy móc, cha cày đất bằng sức trâu, bò. Mỗi buổi sáng, tôi mang cơm ra đồng cho cha, xem trâu, bò cày đất rồi mê luôn nghề này. Sau này, có máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, tôi cùng mấy đứa cháu ruột vừa làm đất nhà, vừa làm thuê cho nông dân”.

Ngần ấy thời gian, bà dãi nắng dầm mưa trên đồng. Mọi việc sạ lúa, trục trạc đất, bà đều làm được. Đang tâm sự, bà Thu khoe, hiện tại canh tác 15 công ruộng. Mỗi mùa lúa chín, bà kiếm được vài chục triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Riêng cái nghề cày xới đất phục vụ nông dân, bà bỏ túi hơn 20 triệu đồng/vụ. Mặc dù nghề này cực nhọc, nhưng bà vẫn chịu, vì đã quen và ăn sâu vào máu của mình rồi! Bà nói: “Sống độc thân, ở nhà cũng buồn, thôi thì mấy đứa cháu cần người hỗ trợ, tôi xung phong theo làm. Các cháu khuyên lơn ở nhà cho khỏe, tôi vẫn quyết ra đồng. Mỗi năm, tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng! Có tuổi rồi xài bao nhiêu chú em ơi! Tiền dư, tôi nuôi mấy đứa cháu ăn học”.

ThS Lưu Minh Tuấn (cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang) cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để diệt côn trùng, mầm bệnh gây hại. Ngoài ra, cách làm truyền thống này còn giúp mảnh ruộng tơi xốp, diệt cỏ dại, lúa lộn, tạo điều kiện cho bộ rễ cây lúa phát triển. Hiện nay, nhiều cánh đồng sản xuất một năm 3 vụ, đất đai bị bạc màu. Do đó, sau khi cày ải, phơi đất, bà con cần bón lót phân hữu cơ để lúa phát triển tốt trong vụ sau. 

 

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Nguyễn Văn Hiền cho hay, toàn tỉnh có tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 230.000ha/năm, tổng sản lượng đạt 3,9 triệu tấn/năm. Chi cục luôn quan tâm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động trồng trọt đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản hợp lý. Đồng thời, thực hiện kế hoạch sử dụng, bảo vệ, cải tạo nâng cao độ phì đất nông nghiệp trong tỉnh...

 LƯU MỸ