Vệ tinh thám hiểm Mặt trời ASO-S được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, miền tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, vệ tinh Đài quan sát Mặt trời trên không gian tiên tiến (Advanced Space-based Solar Observatory, viết tắt là ASO-S) được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, miền tây bắc Trung Quốc, bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2D.
Vệ tinh ASO-S đã vào quỹ đạo dự kiến, đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi trong nhiệm vụ khám phá những bí ẩn trên Mặt trời của Trung Quốc.
Vệ tinh được phóng lần này, chủ yếu dùng để nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa các tia sáng Mặt trời, vật chất cực quang (CME) với từ trường của Mặt trời, nhằm cung cấp các dữ liệu hỗ trợ cho việc dự báo thời tiết không gian.
Phóng thành công vệ tinh thám hiểm Mặt trời ASO-S đánh dấu việc hệ thống tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã thực hiện 442 nhiệm vụ bay vào không gian vũ trụ.
ASO-S là vệ tinh thám hiểm Mặt trời tổng hợp, do các nhà khoa học vật lý Trung Quốc phát triển, được coi là một bước đột phá mang tính nhảy vọt trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vệ tinh thám hiểm Mặt trời, sau hàng loạt vệ tinh đã ra đời và đưa vào ứng dụng như Ngộ Không, Mặc Tử, Tuệ Nhãn, Thực Tiễn, Thái Cực, Hoài Nhu.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, Mặt trời hoạt động theo chu kỳ kéo dài 11 năm, 2 năm 2024-2025 sẽ là giai đoạn cao điểm trong chu kỳ hoạt động của Mặt trời. Vệ tinh ASO-S sẽ tập trung quan sát, nghiên cứu sự hình thành, tiến hóa, tương tác và mối quan hệ giữa các tia sáng Mặt trời, vật chất cực quang, từ trường của Mặt trời, nhằm hỗ trợ cho việc dự báo thời tiết về các hiện tượng thời tiết tiêu cực trên không gian, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ của con người như hàng không vũ trụ, thông tin liên lạc và định vị...
Theo HỮU HƯNG (Báo Nhân Dân)