Trung thu xưa và nay

21/09/2021 - 04:09

 - Trung thu năm nay rơi vào những ngày giãn cách xã hội, làm người ta nhớ đến hình ảnh đông vui, rộn ràng của năm trước, để rồi nhớ khôn nguôi cái vị bánh đêm trăng ngọt ngào…

Trung thu là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, khí trời mát mẻ, gia đình quây quần bên nhau ngắm trăng, ăn bánh trung thu, uống trà. Trẻ con thì vui đùa, rước đèn, xem múa lân… Nhắc đến Tết Trung thu, không thể không nhắc bánh trung thu. Bà Trần Thị Bé Tư (71 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết: “Ngày xưa, bánh trung thu rất đơn giản, vuông hoặc tròn theo hình dáng khuôn bánh. Vỏ bánh làm từ bột mì, bên ngoài phết 1 lớp lòng đỏ trứng mỏng để khi nướng xong vỏ bánh có màu vàng. Nhân bên trong làm từ đậu xanh, khoai môn, hạt sen; nhân thập cẩm có lòng đỏ trứng muối ở giữa. Mỗi nhà đến dịp Tết Trung thu đều tự tay làm bánh cúng trăng và ông bà tổ tiên. Con nít phải đợi cả năm đến ngày Tết Trung thu mới được ăn loại bánh này”.

Theo bà Tư, để làm bánh trung thu ngon, đẹp, phải qua nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, ủ bột làm vỏ bánh, chế biến nhân bánh, nhận khuôn tạo hình đến canh lửa nướng bánh. Công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi người làm bánh tỉ mỉ và khéo tay. Đầu tiên, phải nấu hỗn hợp nước cốt chanh, đường với nước cho đến khi chuyển màu nâu đỏ sẫm, sánh mịn và mùi thơm dịu. Tiếp đến là chuẩn bị nhân bánh. Nếu làm nhân đậu xanh thì phải chọn đậu xanh đã bỏ vỏ, đem nấu nhừ rồi tán thật nhuyễn mịn.

Sau đó, cho đường mạch nha vào sên cùng đậu đến khi thấy nhân đậu nắm được thành từng viên là được. Khâu chuẩn bị bột làm vỏ bánh công phu không kém. Trộn đều hỗn hợp nước đường cùng dầu ăn, bơ đậu phộng, lòng đỏ hột gà, mật ong, bột mì, bọc kín ủ khoảng 30 phút. Rồi chia bột vỏ bánh và nhân bánh với tỷ lệ thích hợp theo kích thước và hình dáng khuôn bánh. “Bánh trung thu nướng sau khi hoàn thành có màu vàng óng, thơm mềm là thành công” - bà Tư chia sẻ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: N.G

Ngày nay, đa phần bánh trung thu được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, rất ít được làm thủ công như trước. Từ đó, bánh trung thu đa dạng về mẫu mã, như: bánh trung thu 3D, bánh trung thu hình cá vàng, heo vàng, thỏi vàng, hình trái tim, bông hoa…

Trong đó, bánh trung thu 3D đang được nhiều người tìm mua. Nếu như trung thu truyền thống đơn giản về họa tiết, hình ảnh trang trí trên mặt bánh, bánh trung thu 3D được cách tân thêm hoa lá, hình con thú ngộ nghĩnh, độc đáo, nhiều màu sắc. Để làm ra cái bánh trung thu 3D, tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với bánh truyền thống.

Vì vậy, mỗi cái bánh trung thu 3D được xem là 1 tác phẩm nghệ thuật mang phong cách riêng của người làm bánh. Với những công thức chế biến mới lạ, phối hợp thành phần nhân bánh tạo nên rất nhiều hương vị khác nhau, như: nhân phô mai, nhân bào ngư - hải sâm - vi cá, nhân chuối - dừa, nhân xoài, nhân trứng chảy… linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng.

Đó là chuyện “xưa”, khi dịch bệnh chưa tác động đến nhịp sống, nhịp sinh hoạt của mọi người. Còn thời điểm này, hạn chế ra đường, không mua sắm như mọi năm, để tìm lại hương vị thân quen ấy, nhiều bạn trẻ khéo tay đích thân xuống bếp, tự làm chiếc bánh trung thu cho con, cháu và bạn bè xung quanh.

Bạn Thanh (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Đã trở thành thói quen, năm nào tôi cũng cùng bạn bè làm bánh trung thu, chuẩn bị quà (tập sách, bánh, sữa) để tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, tôi chỉ có thể tự làm 70 chiếc bánh gửi đến UBMTTQVN phường, nhờ chuyển đến các hộ gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tôi còn nhận đặt hàng từ bạn bè, người quen để các em có thể thưởng thức loại bánh quen thuộc”.

Trung thu năm nay, các gia đình đều ở nhà để phòng dịch. Các em thiếu nhi không thể tham gia hoạt động rước đèn trung thu, “Đêm hội trăng rằm” do nhà trường, cơ quan, các đơn vị tổ chức. Để tránh cho các bé cảm thấy thiệt thòi hơn so với mọi năm, một số phụ huynh đã chịu khó làm đồ chơi, làm bạn cùng con để trung thu ở nhà vẫn vui.

Chị Trần Ngọc Trúc (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Mấy bữa nay, tôi bày cho con cách làm đèn ông sao từ lon sữa, lồng đèn truyền thống bằng các loại giấy như cách làm của tôi ngày nhỏ. Việc này ít tốn kém mà con lại rất hào hứng tham gia. Con cũng ý thức được tình hình năm nay không như mọi năm, mong muốn dịch bệnh sẽ qua mau, để được đến trường, để năm sau được chơi trung thu vui tươi, thoải mái cùng bạn bè”.

Vào đêm rằm tháng Tám, dù trước hay sau khi dịch bệnh hoành hành, bên chiếc bánh trung thu (dù truyền thống hay hiện đại), mọi người vẫn chúc nhau có cuộc sống tròn đầy, viên mãn, đầm ấm bên gia đình.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không cho phép tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em. Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã quan tâm, chuyển tặng quà, bánh trung thu cho 1.489 trẻ em và người già, gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng; trẻ em chịu ảnh hưởng dịch bệnh và trẻ em tại khu cách ly y tế tập trung do dịch bệnh COVID-19, người già và trẻ em sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc. Tổng kinh phí quà tặng gần 240 triệu đồng.

NGỌC GIANG - TRỌNG TÍN