Ngày 17-4, Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020.
Theo đó,năm 2020, ĐHQGHN thực hiện tuyển sinh đại học chính quy theo các phương thức: 1- Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng; 2- Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; sau đây gọi tắt là chứng chỉ A-Level); 3- thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ) đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN; 4- Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Văn).
Các tiêu chí xét tuyển thẳng được công bố vào đầu tháng 5-2020.
Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, ĐHQGHN sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn
Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, ĐHQGHN sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn, gồm hợp phần thi môn toán - hợp phần ngữ văn (hoặc bài luận) ngoại ngữ… để xét tuyển. Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự thi kỳ kỳ thi riêng của ĐHQGHN. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước 30-5-2020.
Trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8-2020, ĐHQGHN sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Cũng trong ngày 17-4, Trường ĐH Ngoại thương đã thông qua 2 phương án tuyển sinh. Theo đó, nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển.
Với phương thức thứ nhất, nhà trường xét tuyển theo kết quả thi THPTQG với các tổ hợp môn A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07, và thời gian xét tuyển thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 năm học 2019-2020) từ 7,0.
Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG, trong đó điều kiện nộp hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn không phải ngoại ngữ nằm trong tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng chuẩn tối thiểu theo thông báo của nhà trường.
Phương thức thứ ba là xét tuyển kết hợp Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT đối với học sinh hệ chuyên của các trường chuyên với thời gian xét tuyển dự kiến trong tháng 6 và 7-2020. Ngoài ra, trường còn thực hiện xét tuyển thẳng theo quy định về xét tuyển thẳng.
Phương án 2, trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐHQGHN tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của THPTQG.
Trong trường hợp này, nhà trường sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó phương thức xét tuyển dành cho học sinh hệ chuyên, trường chuyên và phương thức xét tuyển thẳng giữ nguyên, hai phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPTQG sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường.
Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 1-6-2020.
Theo YẾN ANH (Người lao động)