Từ 1-9-2024: Số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị sẽ áp theo quy định mới
12/07/2024 - 09:34
Từ 1-9 tới đây, số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, Bộ ngành, các đơn vị sự nghiệp... sẽ được điều chỉnh lại, áp dụng theo quy định mới.
AA
Chính phủ ban hành quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024. Cụ thể:
Số lượng cấp phó của người đứng đầu Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ
Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP:
Chi cục có từ 01 đến 03 phòng được bố trí 01 cấp phó; có từ 04 phòng trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó;
Chi cục không có phòng được bố trí không quá 02 cấp phó.
Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP bổ sung quy định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu Chi cục, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một Chi cục khi Chi cục đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ trong ngày theo quy định của pháp luật, phải bố trí công chức (trong đó có lãnh đạo chi cục) làm việc 3 ca/ngày và được giao từ 60 biên chế công chức trở lên;
- Được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 09 phòng hoặc tổ chức tương đương trở lên thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục theo quy định của pháp luật.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng thuộc Tổng cục thuộc Bộ
Về số lượng cấp phó của người đứng đầu Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng thuộc Tổng cục thuộc Bộ, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi như sau:
- Vụ thuộc Tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, Cục (trừ Cục đặt tại địa phương), Thanh tra, Văn phòng thuộc Tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;
- Vụ thuộc Tổng cục có trên 20 biên chế công chức; Cục (trừ các cục đặt tại địa phương), Thanh tra, Văn phòng thuộc Tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị trong cơ quan thuộc Chính phủ
Theo Nghị định số 10/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2019/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Ban; Văn phòng; Tổ chức sự nghiệp trực thuộc (nếu có).
Về số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị trên, theo quy định mới tại Nghị định số 83/2024/NĐ-CP thì Ban và Văn phòng có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 02 cấp phó; Ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 83/2024/NĐ-CP, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Đối với bệnh viện hạng I trở lên; đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng I trở lên; trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 03 cấp phó.
Các đơn vị sự nghiệp công lập khác được bố trí từ 2-3 cấp phó.
Theo An ninh thủ đô
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: