Tự do tôn giáo

04/06/2021 - 07:14

Việt Nam là đất nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các quốc gia khác, sinh hoạt tôn giáo phải tuân thủ theo quy định pháp luật, không thể chấp nhận hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo để chống phá chính quyền, gây chia rẽ đoàn kết, gây mất an ninh trật tự.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020. Trong phần báo cáo liên quan đến Việt Nam, dù có một số nội dung đánh giá tích cực hơn năm 2019 nhưng vẫn còn nhiều thông tin sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Cụ thể, báo cáo đã trích dẫn nhiều thông tin xuyên tạc của “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) cho rằng, chính quyền một số tỉnh Tây Nguyên đã chất vấn, đe dọa các thành viên của một số nhóm Tin lành chưa đăng ký, như: “Hội thánh Tin lành đấng Christ”, “Hội thánh truyền giảng Phúc âm”, “Hội thánh Đề Ga quốc tế”. Xuyên tạc cơ quan chức năng Việt Nam “đàn áp, sách nhiễu” các hội, nhóm tôn giáo chưa được thừa nhận, chưa đăng ký hoạt động, cáo buộc chính quyền “gây khó khăn” với các hội, nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng các dân tộc thiểu số khi đăng ký hoạt động.

Những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, bóp méo bởi trên thực tế, đến tháng 12-2020, Việt Nam đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 3.549 điểm, nhóm Tin lành trong cả nước, trong đó khu vực Tây Bắc là 1.037 điểm, nhóm; khu vực Tây Nguyên là 1.391 điểm, nhóm. Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm việc sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm, nhóm đã đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, có hàng trăm điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có cả điểm, nhóm của người nước ngoài.

Trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sĩ Phật giáo Nam Tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh Thánh bằng tiếng Ê đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Jrai. Tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước hiện có khoảng 583.000 tín đồ Tin lành, sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 hội thánh, điểm, nhóm. Tại khu vực miền núi phía Bắc có hơn 230.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo tại 1.640 hội thánh, điểm, nhóm.

Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vu cáo chính quyền Việt Nam gây cản trở, sách nhiễu khi có sự phân công và chuyển giao công việc giữa các chức sắc tôn giáo ở các điểm, nhóm địa phương chưa đăng ký, như: trường hợp linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam ở giáo phận Vinh (Nghệ An); mục sư Nguyễn Duy Tân ở giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai). Tuy nhiên, theo tài liệu của các cơ quan chức năng, các linh mục này thời gian qua có nhiều hoạt động không phải là hoạt động tôn giáo thuần túy, mà đã lợi dụng việc giảng đạo để chống đối chính quyền, có nhiều phát biểu xuyên tạc lịch sử Việt Nam… Những hành vi này đã vi phạm Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số). Tính đến ngày 31-12-2020, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004). Mỗi tôn giáo ở Việt Nam tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau, nhưng đều tồn tại trong lòng dân tộc, lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản, xuyên suốt của Đảng, nhà nước Việt Nam.

Việc lợi dụng tôn giáo cho mục đích chính trị, nhằm lật đổ chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết thì không chỉ Việt Nam, mà bất cứ một quốc gia nào cũng không thể chấp nhận. Vì vậy, việc đòi hỏi Chính phủ Việt Nam “cấp phép cho tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do”, kể cả các nhóm tôn giáo có hoạt động chống phá là không thể chấp nhận được.

Tại Khoản 3, Điều 18 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nêu rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, việc luật hóa hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nói như một đại diện chức sắc tôn giáo thì “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”. Mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hướng đến những giá trị tốt đẹp, xuất phát từ tình yêu thương, đoàn kết, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc thì đều được hoan nghênh.

NGÔ HOÀNG