Bhanu Prakash có năng khiếu toán học bẩm sinh.
869.463.853 nhân 73 bằng bao nhiêu?
Nếu bạn là người bình thường, bạn sẽ với tay lấy chiếc máy tính. Nhưng chàng trai Neelakantha Bhanu Prakash, 20 tuổi, tới từ Ấn Độ thì có thể đưa ngay ra đáp án 63.470.861.269 chỉ trong vòng 26 giây. Bhanu được mệnh danh là “chiếc máy tính sống nhanh nhất thế giới”.
Theo Sách Kỷ lục Limca - giống như Kỷ lục Guinness thế giới của riêng Ấn Độ, tốc độ tư duy của Bhanu nhanh gấp 10 lần người bình thường.
Bhanu cho biết, anh có thể làm những phép tính phức tạp như thế này bằng tốc độ chóng mặt nhờ “thực hành có cấu trúc”.
“Ví dụ như với phép tính 8.763 nhân 8, tôi sẽ lấy: 8.000 nhân 8 bằng 64.000, 700 nhân 8 bằng 5.600, 60 nhân 8 bằng 480, 3 nhân 8 bằng 24, rồi cộng tất cả kết quả lại với nhau. Nhưng điều này đòi hỏi bộ não phải nhớ tất cả những số đó”.
“Các phương pháp mà tôi sử dụng rất giống với các phương pháp chung, nhưng cần sự tối ưu hoá của bộ não. Tôi tối ưu hoá các phương pháp và làm chúng tốt hơn trước”.
Ngày 15/8 mới đây, Bhanu trở thành người châu Á đầu tiên giành huy chương vàng giải vô địch tính toán thế giới tại Olympiad Thể thao Trí tuệ diễn ra ở London, Anh.
Anh cũng là người giành chiến thắng đầu tiên không phải là người châu Âu trong lịch sử 23 năm của giải đấu này.
Để giành ngôi vô địch, Bhanu đã đánh bại 29 đối thủ tới từ 13 quốc gia.
‘Đừng gọi tôi là thần đồng’
Từ nhỏ, Bhanu đã giành được rất nhiều giải thưởng.
“Tôi hoàn toàn không phải là thần đồng, bởi vì tôi thấy từ ‘thần đồng’ không bao gồm những nỗ lực và trải nghiệm”, Bhanu nói và nhấn mạnh rằng khả năng tính toán phi thường của anh không có được một cách dễ dàng.
Năm 5 tuổi, Bhanu bị ngã từ chiếc xe scooter của anh họ khi nó đâm vào chiếc xe tải, khiến cậu bị đập đầu xuống đường.
Bhanu bị vỡ sọ, khâu 85 mũi và phải phẫu thuật nhiều lần trước khi bác sĩ đặt cậu vào tình trạng hôn mê.
Bảy ngày sau, cậu tỉnh dậy. Các bác sĩ nói với bố mẹ Bhanu rằng cậu có thể bị suy giảm nhận thức suốt quãng đời còn lại do vết thương ở đầu.
Suốt 1 năm sau, Bhanu phải nằm trên giường bệnh.
“Tai nạn đã thay đổi cách tôi định nghĩa về sự vui vẻ và đó là lý do tại sao tôi ở đây hôm nay”, anh nói.
Trong suốt quá trình phục hồi, Bhanu đã học cách chơi cờ, giải đố, làm toán để giữ cho bộ não luôn hoạt động.
“Tôi nhớ là nó rất đau… Đó là trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời tôi”, anh kể. “Tôi không thể tới trường suốt 1 năm. Tất cả những gì tôi phải bám víu vào để tốt hơn là các con số và các câu đố”.
Vết thương khiến Bhanu có một vết sẹo xấu xí trên mặt. Để bảo vệ cảm xúc của con, bố mẹ cậu bỏ tất cả gương trong nhà trong khoảng 1 năm. Nhưng chính Bhanu quyết chí không để vết sẹo ngăn mình lại. “Nó đẩy tôi về phía trước. Tôi biết việc mà mình có thể làm giỏi và tôi sẽ chứng minh điều đó cho bản thân”.
Năm 7 tuổi, Bhanu đạt giải ba trong một cuộc thi số học cấp tiểu bang. Phần trình diễn của cậu khiến người cha rơi nước mắt. “Ông khóc không phải vì tôi đạt được huy chương, mà vì điều đó khiến cha tôi xúc động”, Bhanu chia sẻ.
Kể từ đó, cậu liên tục giành được nhiều chiến thắng khác, trong đó có cả Cuộc thi tính toán nhanh quốc gia năm 2011 của Ấn Độ. Từ năm 13 tuổi, cậu đại diện cho Ấn Độ tham gia thi quốc tế và phá kỷ lục thế giới 4 lần.
Bhanu cũng 50 lần phá vỡ kỷ lục Limca, được so sánh với huyền thoại toán học Ấn Độ Shakuntala Devi.
“Khi tôi cố gắng đạt một kỷ lục thế giới, giống như là thế giới xung quanh tôi chậm lại”, Bhanu giải thích.
Anh nói rằng, anh đam mê với mục tiêu “loại bỏ nỗi sợ hãi môn toán”, những cảm xúc sợ hãi mà nhiều người trong chúng ta đang trải nghiệm. Cảm xúc đó có thể khiến chúng ta né tránh những tình huống mà chúng ta phải thể hiện khả năng tính toán và gây tác động tiêu cực tới những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta.
Vượt lên số phận, Bhanu trở thành người truyền cảm hứng cho những người sợ hãi môn toán.
Năm 2018, Bhanu thành lập Exploring Infinites – một tổ chức giáo dục đặt mục tiêu khiến môn toán trở thành một môn học đầy thách thức, thú vị bằng cách theo dõi sự phát triển khả năng nhận thức thông qua các trò chơi tính toán.
“Trải nghiệm của tôi bắt đầu vào cái ngày mà tôi tới một ngôi trường ở vùng nông thôn. Tôi nhận ra rằng bọn trẻ ở đó không biết phép nhân chính là nhiều phép cộng lặp lại. Đó là lúc tôi bắt đầu gây dựng công ty của mình”.
Hiện tại, Exploring Infinites có nửa triệu người theo dõi, thường xuyên tổ chức những trại hè toán học ở Bangladesh và Indonesia. Chương trình học từ xa của tổ chức cũng thu hút các học sinh từ Anh và Mỹ.
Bhanu cũng tham gia diễn thuyết trên diễn đàn TEDx, nhấn mạnh rằng bất cứ ai cũng có thể cải thiện kỹ năng toán học và làm thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Theo ĐĂNG DƯƠNG (Vietnamnet)