Với chủ đề "Hạnh phúc cho tất cả và mãi mãi", Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2020 muốn tập trung vào những điều mà loài người đang cùng chia sẻ hơn là những thứ chia rẽ chúng ta. Chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa ở hiện tại khi làn sóng nhập cư ngày càng gia tăng, khiến con người từ các quốc gia và bối cảnh khác nhau giờ đây lại có cơ hội sống cùng với nhau.
Lịch sử Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 20/3 làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc sau khi thông qua nghị quyết 66/281 vào ngày 12/7/2012. Thú vị là, nghị quyết trên được khởi xướng bởi Bhutan – một đất nước nhỏ bé nhưng lại được biết tới toàn cầu khi áp dụng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia để thay thế Tổng sản phẩm quốc gia kể từ đầu những năm 1970.
Năm 2015, Liên Hợp Quốc đưa ra 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, với mục đích chính là chấm dứt đói nghèo, giảm bất bình đẳng và bảo vệ Trái đất. Một khi các mục đích trên đạt được, phần lớn người dân thế giới được kỳ vọng sẽ trở nên thịnh vượng và hạnh phúc. Thông qua Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Liên Hợp Quốc mong muốn chính phủ các quốc gia sẽ đặt hạnh phúc của người dân lên hàng đầu trong các mục tiêu chính sách của mình. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hướng tiếp cận cân bằng và bao trùm hơn đối với tăng trưởng kinh tế để không làm cạn kiệt các nguồn lực giá trị và niềm vui trong cuộc sống của con người.
Nở nụ cười nhiều hơn sẽ góp phần khiến bản thân và thế giới hạnh phúc hơn trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc (ảnh: Báo Lào Cai)
Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Báo cáo về Hạnh phúc Thế giới
Mỗi năm Liên Hợp Quốc lại đo lường và so sánh mức độ hạnh phúc của các nước trên toàn cầu trong bản Báo cáo về Hạnh phúc Thế giới và công bố nó ngay trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Bản báo cáo xếp hạng 156 quốc gia thông qua mức độ hạnh phúc và 117 quốc gia thông qua mức độ hạnh phúc của những người dân nhập cư. Liên Hợp Quốc đưa ra báo cáo dựa trên các thông số về xã hội, kinh tế và môi trường, đồng thời đặt mục tiêu cho các quốc gia phải gia tăng hạnh phúc cho người dân bởi đó chính là một trong những quyền cơ bản của con người.
Nghiên cứu về hạnh phúc
Những nghiên cứu đầu tiên về hạnh phúc đã được tiến hành từ hơn 2.500 năm trước khi các nhà triết học vĩ đại như Khổng Tử, Socrates, Aristotle… đã cống hiến cuộc đời mình để theo đuổi chủ đề này và tạo ra ảnh hưởng tới cuộc sống của vô số người cho tới tận ngày hôm nay.
Trong thế giới hiện đại, tâm lý học tích cực hay khoa học hạnh phúc là ngành nghiên cứu về chính những thứ khiến con người hạnh phúc.
Mặc dù nghiên cứu hạnh phúc không phải là một khái niệm mới nhưng chỉ trong những năm gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu thực sự thấu hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa những dấu hiệu của cảm xúc tích cực. Theo giới khoa học, chìa khóa cho sự khỏe mạnh của con người là các mối quan hệ xã hội chặt chẽ và cuộc sống có mục đích.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc có được một tâm hồn tích cực đồng nghĩa với 90% cảm xúc của chúng ta sẽ là hạnh phúc. Những điều này có thể bao gồm một sự nghiệp viên mãn trong đó có thể giúp đỡ nhiều những người xung quanh, một công việc tình nguyện để cải thiện cộng đồng hoặc tham gia vào một tôn giáo góp phần phát triển các hoạt động chia sẻ cộng đồng…
Những người hạnh phúc được cho là sẽ sống lâu hơn và ít gặp vấn đề về sức khỏe hơn. Một minh chứng rõ ràng là, vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết về khoa học nghiên cứu hạnh phúc và những lợi ích của một cuộc sống vui vẻ, lành mạnh.
Hy vọng rằng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc sẽ góp phần gia tăng nhận thức về điều trên và giúp cho tất cả chúng ta đều hạnh phúc trong năm 2020.
Theo Tổ Quốc