Từ “Tết COVID” đến Tết Nguyên đán

30/01/2022 - 06:09

 - Trải qua 4 đợt bùng phát dịch, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, để nhẹ nhàng và lạc quan hơn khi nhắc đến dịch bệnh COVID-19, người dân
quen với khái niệm “Tết COVID”. Đánh dấu mỗi đợt áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng mạng còn lập album, viết nhật ký, như: Tết COVID năm thứ nhất, mùng 1; Tết COVID mùa thứ tư, mùng 5… Sau 1 năm biến động khó khăn, tác động của dịch bệnh đối với đời sống khiến thói quen đón Tết cổ truyền của dân tộc thay đổi trong các gia đình: tiết kiệm hơn, tối giản và dành cho nhau sự quan tâm nhiều hơn.

Tận hưởng niềm vui tự tạo cùng hoa trái trong mùa “Tết COVID”

“Tết COVID” lành mạnh

“Những ngày thực hiện giãn cách xã hội quả thực y như… Tết. Ngoài đường vắng vẻ, còn trong nhà, các thành viên quanh quẩn chỉ ăn và uống, tìm đủ cách giải trí cho đỡ buồn. Tết, nhưng không có hoa mai, hoa cúc, không có không khí hân hoan, càng không nên ra ngoài họp mặt, trò chuyện khi dịch bệnh ẩn nấp khó lường. Tết mang tên COVID trầm lắng hơn khi chứng kiến nhiều người bị mất việc, thu nhập, thậm chí mất người thân. Cả xã hội cùng “nhường cơm sẻ áo”, mỗi gia đình chi tiêu tiết kiệm để chung tay đùm bọc những mảnh đời cơ cực, khó khăn hơn trong đại dịch” - chị Nguyễn Thanh Thảo (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) trải lòng.

Những ngày ở nhà chống dịch, công việc của phụ nữ càng bận rộn hơn, khi đảm nhận đồng thời việc cơ quan lẫn việc nhà, kiêm luôn quản lý các con học tập. Bỏ qua những bộn bề, vất vả, áp lực, các chị vẫn tìm cách tạo niềm vui ngay trong gia đình bằng vô số tài tháo vát.

Chị Ngô Thị Tú Trang (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) thích thú khi nhắc lại những ngày “ăn Tết” bất đắc dĩ. Bà nội trợ nào cũng tranh thủ khoe không chỉ cơm ngon, canh ngọt cho mỗi bữa ăn, mà còn tăng cường dinh dưỡng cho gia đình qua các món chè, bánh, nước uống tự tay làm. Mọi chi tiêu phải thắt chặt hơn, không chỉ bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập, mà những buổi đi chợ cũng hạn chế, mua thực phẩm, thiết kế bữa ăn cho gia đình phải tính toán kỹ hơn.

Dịch bệnh khiến “người thủ quỹ” của gia đình đã giỏi nay càng giỏi hơn khi biết thu vén một cách tốt nhất tài chính, chăm sóc người thân cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Các chị khoe ngoài việc nội trợ còn tạo thêm việc cho chồng và con tham gia để đỡ buồn chán, như: Cùng pha nước uống, trồng rau, trồng hoa, trái cây, khơi lại mấy chơi trò chơi dân gian…

“Ngoài rau ăn thông thường, tôi còn trồng thêm sả, gừng chen vào mấy chậu kiểng để nấu xông trong nhà. Mọi việc làm, đến giải khuây cũng nghĩ về chuyện chống dịch. Thấy vậy mà vui, nhiều người còn trồng được giàn hoa đẹp để chưng Tết với cúc vàng, cúc đỏ, vạn thọ, thược dược… Thấy tôi quanh quẩn ở nhà, chồng thiết kế một góc nhỏ trong vườn để có thể vừa ngồi uống trà, vừa “sống ảo”. Tết COVID không mấy vui vẻ, nhưng mọi người đều truyền cho nhau năng lượng tích cực, lạc quan để cùng vượt qua một cách lành mạnh như thế” - chị Ngô Trúc Hồng tâm sự.

Đón Tết cổ truyền tối giản với những cách dung dị theo hoàn cảnh từng gia đình

Tối giản chào đón năm mới

“Còn người là còn của, có sức khỏe là có tất cả”. Ăn Tết tối giản không chỉ thể hiện trong cách bày trí nhà cửa, dự trữ thực phẩm, mâm ngũ quả, đồ mới… mà cả trong cách giao tiếp, thăm hỏi, chúc nhau ngày đầu năm sau khi dần bước ra khỏi cơn bão dịch bệnh. Để chuẩn bị cho Tết cổ truyền cuối năm, có một lời khuyên đã được cộng đồng chia sẻ: “Tết này đừng hỏi nhau làm ăn tiền nhiều hay ít. Trong nhà ai còn đủ thành viên đã may mắn lắm rồi”.

Ông Nguyễn Hữu Thọ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chiêm nghiệm sau 1 năm biến động rồi trầm tư: “Hơn 70 cái Tết rồi, đây là năm thứ 2 tôi đón Tết trong không khí đặc biệt. Năm nay, các con của tôi làm ăn không mấy thuận lợi, dù vậy tôi vẫn mong con cháu đủ đầy, sum họp. Nhìn thấy nhiều gia đình mất đi người thân, không nhà cửa, mới thấy sự bình an, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Gia đình bàn bạc, Tết chỉ mua 2 cặp bông vạn thọ, mấy loại trái cây cúng ông bà, đồ ăn dự trữ vừa đủ thôi. Cái chính là sự ấm cúng, chia sẻ với con cháu để động viên chúng tinh tấn làm ăn trong năm tới”.

Đối với chị Nguyễn Minh Châu (huyện Phú Tân), việc sửa soạn Tết đã được chuẩn bị rất sớm. Trong số tiền chi tiêu hàng tháng, chị trích bỏ ống để cuối năm mua đồ mới cho các cháu. Bánh mứt chị cũng chọn số ít ngoài chợ, còn lại rủ phụ nữ trong xóm hùn mua nguyên liệu về tự làm để vui hơn, tiết kiệm hơn. Chị Châu cho biết, nhà có 7 thành viên, năm ngoái 3 người em bị kẹt lại ở vùng dịch không về nhà ăn Tết. Họ dự tính thêm 1 cái Tết xa nhà vì hiện nay đang thiếu lao động, tiền công được trả khá cao nhưng gia đình vẫn động viên nên về sum họp.

Chị Châu trần tình: “Xóm này, nhiều nhà cùng cảnh ngộ, nên dù tiết kiệm cỡ nào cũng phải lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, có cành mai, chút hoa trái... cũng thấy vui rồi. Chưa Tết mà mẹ tôi đã dặn chuẩn bị nhiều cá khô, gói thêm bánh để đủ phần cho các em, nhất là thực phẩm đem theo khi trở lên làm việc. Tính toán xa đến vậy, chỉ mong ai nấy đều khỏe mạnh, sống bình an, đủ ăn, đủ mặc là mừng. Những mong cầu khác thong thả một năm mới bắt đầu lại, còn người là còn của mà”.

Đón Tết vui tươi trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo an toàn thời COVID là tiêu chí mà người dân hướng đến vào dịp Tết cổ truyền. Việc cúng kiếng gọn nhẹ hơn mọi năm nhưng không kém phần trang trọng, để cầu mong năm mới thuận lợi bình an. Từ thành thị đến nông thôn, đường sá trang trí cờ hoa, tạo các khung cảnh tại điểm công cộng cho người dân du xuân chụp ảnh. Hạn chế những cuộc gặp gỡ đầu năm, mọi người dành sự quan tâm nhiều hơn cho gia đình, người thân và bạn bè, ưu tiên dành tặng lời chúc về sức khỏe, bình an, hạnh phúc bên cạnh những điều chúc tốt đẹp theo thông lệ. Mua sắm ít hơn, nấu nướng ít hơn, không có nghĩa là hạnh phúc ít hơn.

Mỗi nhà có một cách riêng phù hợp với hoàn cảnh và ăn Tết tối giản không có nghĩa là tiết chế quá mức, bởi giảm vật chất nhưng đong đầy về tinh thần. Ngẫm nghĩ về ý nghĩa thật sự, Tết không phải là sự bó buộc vào những giá trị vật chất đôi khi hơi rườm rà và mang tính hình thức. Hương vị ngày Tết không nằm ở chuyện ngọt, nhạt của bánh mứt mà cốt yếu là không khí đầm ấm, yên vui ở mọi nhà.

MỸ HẠNH