Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp

21/02/2023 - 06:45

 - Từ tháng 2 trở đi, các trường THPT trên địa bàn tỉnh An Giang đẩy mạnh cao điểm tư vấn, định hướng nghề nghiệp dưới nhiều hình thức, đặc biệt tư vấn rõ nét về ngành nghề đối với học sinh khối 12. Sự linh hoạt trong các hình thức tư vấn, hướng nghiệp hiện nay giúp các em thấy rõ khả năng, sở trường, nhu cầu và xu hướng của xã hội để lựa chọn tương lai.

Sau dịch COVID-19, hầu hết các phong trào trong trường học đều được quan tâm “sống lại”, đổi mới hình thức và chất lượng nội dung, trong đó có công tác hướng nghiệp. Đại diện các trường THPT có đồng quan điểm, việc học của học sinh luôn định hướng nghề nghiệp tới tương lai, nên công tác hướng nghiệp được thực hiện từ lớp 10 - 12 rất kỹ lưỡng.

Nhà trường tăng cường nhiều hình thức để cung cấp thông tin hữu ích cho các em theo chương trình hướng nghiệp và lồng ghép vào các tiết sinh hoạt, chào cờ, ngoại khóa… Tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, đại học đến trực tiếp tư vấn cho học sinh. Thời gian qua, nhiều hình thức diễn ra từ trực tiếp tại trường đến trực tuyến được các em quan tâm.

Từ đầu năm học đến nay, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) tổ chức nhiều đợt tư vấn nghề nghiệp cho học sinh khối 12 theo hình thức tập trung và lồng ghép. Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, nét mới của năm nay là hướng nghiệp có nội dung giao lưu. Học sinh của trường được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các cựu học sinh thành đạt để chương trình thêm sinh động và thiết thực. Bằng hình thức này, các em được gợi mở, định hình rõ hơn về quá trình chọn nghề, phấn đấu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ thế hệ học sinh đi trước. Những thành công có được hôm nay của các cựu học sinh là nguồn động lực lan tỏa tích cực để các em phấn đấu học hỏi, vượt khó.

Ngoài ra, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, đã ổn định tình hình, trường vẫn duy trì hình thức tư vấn trực tuyến cho học sinh từ 3-4 đợt. Đây là kênh hiệu quả khi các em được cập nhật những thông tin nghề nghiệp, xu hướng việc làm, nhu cầu của thị trường luôn mới mẻ, kịp thời. Trong tháng 2, trường chuẩn bị cho 200 học sinh khối 12 tham gia tư vấn trực tiếp tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh kết hợp du khảo về nguồn. Công tác tư vấn hướng nghiệp được trường giữ nhịp liên tục và tập trung vào đợt cao điểm để không chỉ cung cấp thông tin mới nhất cho các em, mà còn lắng nghe, tháo gỡ những tâm tư trong lựa chọn ngành nghề hoặc chưa đồng thuận của phụ huynh.

Em Lê Thị Mỹ Duyên (Trường THPT Hòa Lạc, huyện Phú Tân) cho biết, đầu năm học đến nay, em được dự nhiều buổi hướng nghiệp do trường phối hợp Trường Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Bình Dương. Mới đây nhất, tại phiên giao dịch việc làm huyện Phú Tân, học sinh khối 12 được tiếp cận thêm nhiều đơn vị dạy nghề và doanh nghiệp. “Nội dung được các đơn vị tập trung tư vấn là ngành nghề, học phí, cơ hội việc làm…

Qua đó, em có thể hình dung rõ hơn về nghề nghiệp theo đuổi sau khi tốt nghiệp THPT. Chúng em hiểu quyết định ngay từ lúc này có vai trò quan trọng để khi ra trường sẽ có việc làm ổn định. Em đang hướng đến ngành quản trị du lịch lữ hành. Qua các đợt tư vấn, em càng nhìn nhận rõ bản thân có nhiều điều kiện phù hợp” - Mỹ Duyên chia sẻ.

Cách làm chung của các trường THPT hiện nay, ngoài đợt cao điểm, các tiết ngoài giờ lên lớp, tiết hướng nghiệp, học sinh còn được giáo viên cung cấp những nội dung nghề nghiệp cần thiết. Em Lê Thành Vinh (Trường THPT Bình Thạnh Đông) bộc bạch: “Lúc đầu, em còn phân vân nhiều ngành nghề, như: Đầu bếp, công nghệ kỹ thuật ôtô, kỹ sư xây dựng… Qua tư vấn, em chỉ tập trung vào ngành công nghệ kỹ thuật ôtô, bởi hiện nay, nước ta đang phát triển mạnh thị trường xe ô tô. Ngoài giới thiệu về nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội, các trường đại học còn gợi mở về học chuyên tu sau đại học, định hướng thị trường nhiều năm tới”.

Tại phiên giao dịch việc làm đầu năm quy mô cấp huyện ở Phú Tân, cùng với số đông lao động trên địa bàn, học sinh được tiếp cận doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, xuất khẩu lao động, tìm hiểu ngành nghề mới, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp. Trước đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đến trực tiếp các trường học tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng để phối hợp đơn vị tham gia cung cấp nội dung có trọng tâm.

Với những buổi tư vấn thường diễn ra tại trường, khi trao đổi với học sinh, giáo viên lưu ý các em lựa chọn ngành nghề phải cân nhắc sự phù hợp về năng lực, điều kiện, sở thích để một khi đã chọn các em sẽ theo đuổi đam mê và đi sâu vào chuyên môn. Nếu tính trong số học sinh đăng ký xét tuyển đại học, tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng của các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt từ 80% trở lên. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực trong cung cấp nội dung và đổi mới các giải pháp tư vấn, hướng nghiệp của trường học đã và đang đúng hướng.

MỸ HẠNH