Năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang tiếp cận và hỗ trợ 8 dự án khởi nghiệp của thanh niên, với tổng số tiền giải ngân 500 triệu đồng. Trong đó, có đến 5 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các dự án khởi nghiệp của thanh niên ở lĩnh vực này; phát triển kinh tế kết hợp công cuộc chuyển đổi xanh, nêu cao vai trò của khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong quá trình sản xuất.
Các dự án, gồm: Phục hồi, cải tạo vườn cây chúc (của bạn Chau Qui Sal, ấp Tô An, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn); sản xuất nguyên liệu và hàng thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình (của bạn Trần Ngọc Thuận, ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên); mật ong nguyên chất và các sản phẩm từ mật ong Trà Sư Honey (của bạn Bùi Thị Anh Thư, ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên); phát triển cơ sở chạm khắc gỗ, mộc, trang trí nội thất (của bạn Lê Hùng Sức, ấp Bình Long, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới)…
Chau Qui Sal sản xuất sản phẩm từ phân trùn quế
Trung tâm đã tổ chức, hướng dẫn các bạn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp; tháo gỡ vướng mắc gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp chưa tiếp cận được với thị trường; định hướng loại hình dịch vụ, sản phẩm phù hợp chính sách, chương trình hỗ trợ đang được khuyến khích phát triển; kết nối với sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ chủ dự án về kỹ thuật chuyên môn, thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Sau khi nhận vốn hỗ trợ khởi nghiệp, 5 dự án khởi nghiệp bảo vệ môi trường đã mở rộng quy mô và mang lại kết quả khả quan. Điển hình như dự án của bạn Chau Qui Sal, có mức hỗ trợ 40 triệu đồng. Sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ, bạn tái tạo khu vườn chúc 1,5ha, với 2.000 gốc (khoảng 500 gốc cây trưởng thành), khoan thêm 1 giếng nước, xử lý đường ống chất thải, phục vụ cho việc trồng cây chúc theo hướng hữu cơ. Đồng thời, phát triển phân trùng quế tại địa phương, xử lý nguồn rác thải từ phân gia súc, đảm bảo an toàn cho môi trường. Theo Chau Qui Sal, phân trùng quế là nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời cho cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Thanh niên Trần Ngọc Thuận vừa nhận mức hỗ trợ 80 triệu đồng. “Tôi sản xuất dụng cụ đựng thực phẩm dùng 1 lần từ giấy lục bình. Dự án góp phần ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng từ tài nguyên bản địa, thúc đẩy chuyển đổi xanh và kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo công ăn việc làm cho người dân, giải quyết vấn đề lục bình phát triển tràn lan trên kênh, rạch gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện đường thủy” - Ngọc Thuận chia sẻ.
Đoạt giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VII/2023”, dự án Trà Sư Honey với sản phẩm mật ong Trà Sư của bạn Bùi Thị Anh Thư và Đặng Phạm Mạnh Quỳnh vừa được hỗ trợ 80 triệu đồng. Với lợi thế rừng tràm tự nhiên phong phú có sẵn, nguồn thức ăn ổn định, đàn ong nuôi khỏe mạnh, an toàn thực phẩm. Chị Anh Thư chia sẻ, chi phí đầu tư cho mỗi thùng nuôi ong khá cao, tầm 1,5 triệu đồng/thùng.
“Hiện, trang trại của chúng tôi đang sở hữu trên 100 thùng nuôi ong, diện tích 500m2. Thời gian đầu, khó khăn nhất là cạnh tranh với các mặt hàng mật ong khác trên thị trường. Đặc trưng nguồn mật được kết tinh từ hoa tràm, không pha đường, có độ ngọt vừa phải, mật ong Trà Sư ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin dùng hơn” - Chị Thư cho biết thêm.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy cho biết: “Cả 5 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được hỗ trợ vốn năm 2024 đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn tới, Trung tâm tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp mang tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khi hậu. Từ đó, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giải quyết được nhu cầu về khởi nghiệp của lực lượng thanh niên trên địa bàn”.
PHƯƠNG LAN