Tuyên giáo An Giang: Tự hào truyền thống – Tăng cường xây dựng niềm tin!

01/08/2024 - 07:10

 - Trong những lần gặp gỡ cán bộ ngành tuyên giáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở: “Trong khó khăn phải giữ vững niềm tin. Công tác tuyên giáo phải tạo ra niềm tin, giữ vững, củng cố, tăng cường niềm tin vào Đảng, vào chế độ, vào Nhân dân, vào khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng; phải tạo sự đồng thuận cao trong Đảng, trong Nhà nước, trong Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Điều này vô cùng quan trọng và hệ trọng, nhân tố quyết định thắng lợi của chúng ta”.

Tự hào truyền thống!

Trải qua 94 năm (1/8/1930 - 1/8/2024), dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành tuyên giáo đã có những trưởng thành vượt bậc và ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của công tác tuyên giáo qua các thời kỳ lịch sử cách mạng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ làm tuyên giáo, tuyên truyền - là đạo đức; cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm - không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng đã hòa mình vào phong trào quần chúng, dạn dày trong đấu tranh cách mạng, luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ đó đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, từng bước hiện đại về phương tiện kỹ thuật, công nghệ, trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ.

Đặc biệt, với bước tiến mới về mặt lý luận đối với khoa học công tác tư tưởng, quán triệt tinh thần Đại hội XIII của Đảng; ngành tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ và tăng cường tính giáo dục trong công tác tư tưởng; đồng thời, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhìn lại chặng đường 94 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta có thể tự hào rằng, những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều có sự đóng góp to lớn của công tác tuyên giáo, ngành tuyên giáo, các thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành tuyên giáo của Đảng.

Ghi khắc lời dặn - Kiên định mục tiêu, lý tưởng; giữ vững niềm tin!

Trong những ngày qua; cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã và đang bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn - vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng đặc biệt xuất sắc; luôn kiên quyết, kiên trì mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tấm gương tiêu biểu về thực hành và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng - trọn đời vì nước, vì dân...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng và từng nhấn mạnh: “Công tác tư tưởng là công tác quan trọng hàng đầu, nhưng khó ở chỗ tư tưởng rất trừu tượng... Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất hết nhuệ khí đấu tranh...”. “Chính vì vậy, tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo… nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của công tác tư tưởng”.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những vấn đề ngành tuyên giáo cần quan tâm, như:

(1) Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, ngành tuyên giáo cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng - vì xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là linh hồn của mọi công tác, không chỉ nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ trước mắt và còn vì mục đích cơ bản, lâu dài.

Ngành tuyên giáo phải nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, phải kiên định những vấn đề nguyên tắc về mục tiêu, lý tưởng. Đó chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi - con đường đi lên dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh - tuyệt đối không dao động, mơ hồ. Cần nắm chắc đường lối cơ bản của Đảng để vận dụng sáng tạo trong thực hiện, góp phần giữ vững niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân.

Công tác lý luận, công tác nghiên cứu, giáo dục, truyền bá lý luận là chức năng số một của ngành tuyên giáo. Cần coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác tuyên truyền miệng, tăng cường đối thoại; sử dụng các chuyên gia, các nhà khoa học...

Tổng Bí thư cho rằng: Kiến thức nhiều lắm, học là vô cùng, kiến thức có thể quên đi, cái còn lại là phương pháp tư tưởng - phương pháp biện chứng, khách quan, cụ thể, toàn diện và phát triển. Tổng Bí thư mong rằng: Công tác tư tưởng phải lột tả cho hết những vấn đề cơ bản nêu trên để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần giữ vững định hướng chính trị, mục tiêu lý tưởng của Đảng.

(2) Tuyên giáo là lĩnh vực rộng lớn và được Nhân dân đòi hỏi rất cao. Ngành tuyên giáo cần phải luôn chủ động đổi mới hơn nữa; phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nắm bắt cho được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân - thông qua nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa xây và chống; chống và xây...

Công tác tuyên giáo phải bằng mọi cách, mọi lực lượng, mọi phương thức tập trung xây dựng cho được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng. Đây là việc vô cùng khó nhưng phải làm.

Nhắc lại quan điểm, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng, về Đảng cách mạng và mục tiêu lý tưởng của Đảng; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thường nhắc nhở công tác tuyên giáo phải nắm chắc những đòi hỏi, yêu cầu đó để làm tốt hơn nữa và tuyên truyền một cách sáng tạo, thuyết phục hơn nữa về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngành tuyên giáo cần triển khai đồng bộ các hoạt động một cách bài bản, chất lượng, hiệu quả cao hơn, với nhiều hình thức mới, phương thức phù hợp; góp phần nâng cao nhận thức; giúp Nhân dân thấy được các mặt trái, những thách thức đặt ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: Hội nhập quốc tế có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng không được làm mất bản sắc dân tộc; không được để các phần tử xấu, các thế lực thù địch kích động, chia rẽ. Thông qua công tác tư tưởng để Nhân dân tự thấy, tự làm, tự hành động. Mất phương hướng, mất lòng tin là mất hết. Cho nên phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tư tưởng một cách đúng đắn. Các binh chủng làm công tác tư tưởng có thể có cách làm riêng của mình, nhưng phải hướng vào mục tiêu đó.

(3) Các cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức, tạo điều kiện cho ngành tuyên giáo hoạt động tốt hơn. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối; có dũng khí đấu tranh, có tâm huyết với công việc; có trình độ chuyên môn giỏi và phải có phương thức hoạt động khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác. Phương pháp làm việc phải dân chủ, chân thành, không được gò ép, áp đặt, mệnh lệnh.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trước tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải nói được, viết được, thuyết phục được. Cần đặc biệt quan tâm mạng xã hội, cần tăng cường lực lượng cho lĩnh vực này, để làm tốt hơn, nhanh hơn, sắc bén, kịp thời và hiệu quả hơn.

Thực tế đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, đồng tiền làm hư hỏng con người, làm biến chất cán bộ. Điều quan trọng là về mặt phẩm chất - tuyệt đối không để bị cám dỗ bởi tiền bạc hay vật chất, không để sa vào cạm bẫy của các thế lực xấu, thế lực thù địch. Những người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, những người làm công tác tư tưởng cũng phải được bồi dưỡng về mặt tư tưởng…

Có thể nói, “những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc hành động trong công tác tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt - đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy - cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác tư tưởng trong thời gian tới”.

Khắc ghi những nội dung chỉ đạo, đặc biệt là những lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần về thăm An Giang, đó là: “Cần làm tốt công tác tư tưởng để huy động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”… Thời gian qua, cùng cả nước, ngành tuyên giáo An Giang đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân và khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống của ngành tuyên giáo cũng là dịp ôn lại truyền thống; quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương, quan điểm của Đảng và những chỉ dẫn quý báu của các thế hệ đi trước.

Kế thừa những kết quả đạt được - ngành tuyên giáo An Giang quyết tâm tiếp tục không ngừng đổi mới; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính giáo dục, thuyết phục của công tác tuyên giáo - càng trong khó khăn, càng tăng cường xây dựng niềm tin, giữ vững niềm tin! Vững bước đi lên, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành tuyên giáo!

TRẦN THỊ THANH HƯƠNG

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh,

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)