Tuyển sinh ĐH 2023: Cần chính sách thu hút vào học các ngành khoa học cơ bản

13/02/2023 - 08:37

Những năm gần đây, cùng với việc nhiều ngành đào tạo đại học mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu người học và nhân lực của thị trường lao động thì có những ngành lại khá chật vật để tuyển được học viên.

Các trường đã đưa ra các chính sách học bổng hấp dẫn để thu hút thí sinh nhưng vẫn có ngành buộc ghép ngành nếu không muốn đóng cửa hoàn toàn. 

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày 28/3/2021 (ảnh tư liệu).

Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh nhiều ngành “hot” hút nhiều thí sinh, nhiều năm nay rất khó tuyển sinh viên cho các ngành khoa học cơ bản như Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ kỹ thuật môi trường… Trên thực tế, nhu cầu xã hội về nhân lực của các ngành khá nhiều, điểm chuẩn đầu vào khá thấp nhưng vẫn ít thí sinh chọn học.

Để thu hút thí sinh, nhà trường đã thực hiện chính sách cấp học bổng toàn phần và bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển các ngành học này. Theo nhà trường, chính sách học bổng nhằm khuyến khích thí sinh lựa chọn các khối ngành khoa học phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng ít người học và ít cơ sở đào tạo. Đây là những ngành học với lĩnh vực làm việc khá rộng, đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội; sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Cùng với chính sách hỗ trợ học phí của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho các ngành ít người học, từ khoá tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều chính sách học bổng cho sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản, ngôn ngữ. Cụ thể là cấp học bổng toàn phần năm học thứ nhất dành cho thí sinh giỏi, xuất sắc, tài trợ chi phí học ngoại ngữ, cùng nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, học tập…

Nhiều năm trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, những năm gần đây xu hướng lựa chọn ngành học của các thí sinh só sự thay đổi, dịch chuyển nhưng không quá nhiều. Các thí sinh thường chọn các ngành học “hot”, mang đến nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường và có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của bản thân trong lĩnh vực đó. Trong sự phát triển của xã hội gắn với công nghệ hiện nay, các bạn học sinh dễ “quay lưng” với các ngành khoa học cơ bản. Nhưng thực tế nhiều em vẫn dành sự yêu thích nhất định với các ngành khoa học xã hội, vì thế nhiều năm qua các ngành này tại trường tuyển sinh vẫn khá tốt. Đó là lựa chọn phù hợp, bởi nền tảng của một xã hội phát triển thì những ngành khoa học cơ bản luôn luôn phải được duy trì, các ngành này góp phần định hướng xã hội phát triển bền vững.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng đề xuất, bên cạnh chính sách riêng của mỗi trường, Nhà nước nên có thêm cơ chế, chính sách riêng cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, vừa hỗ trợ các em có thêm điều kiện học tập, vừa hỗ trợ nhà trường đào tạo được nhân lực chất lượng cho xã hội.

Từ năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ghép ngành Khoa học thủy sản vào với ngành Công nghệ chế biến thủy sản. Đến năm 2023, ngành Hóa phân tích cũng được ghép với ngành Công nghệ hóa học. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trước đây, ngành Khoa học thủy sản chỉ tuyển được 20-30 sinh viên trong số chỉ tiêu 60 mỗi năm, dù mức điểm trúng tuyển rất thấp chỉ khoảng 17 - 18 điểm.

Ngành Hóa phân tích cũng tương tự; đáng chú ý, năm 2022 trường chỉ tuyển được 10 sinh viên trong khi chỉ tiêu là 50. Do không thể tổ chức đào tạo được, trường khuyến khích thí sinh trúng tuyển đổi qua ngành Công nghệ hóa học hoặc cho thí sinh rút hồ sơ nếu không muốn tiếp tục học tập. “Dù có rất ít thí sinh lựa chọn, nhưng nhu cầu nhân lực từ xã hội với ngành này vẫn có nên trường thực hiện ghép ngành chứ không đóng cửa hoàn toàn” – Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết.

Ở các trường khác, những ngành học mang tính truyền thống cũng ít thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển dù có nhu cầu xã hội. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em chưa hiểu hết giá trị của ngành nghề, một số khác lại e ngại vất vả hoặc muốn nắm bắt xu hướng mới. Tại trường, những ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ những năm gần đây cũng khó khăn trong tuyển sinh như: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ dệt may…

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh lưu ý, các em học sinh nên nghiên cứu kỹ các thông tin về nghề nghiệp trước khi đăng ký chọn ngành. Các em không nên chọn ngành chỉ chạy theo theo số đông vì cho rằng có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Thực tế, bất kỳ ngành nào được đào tạo ở nhà trường thì xã hội đều có nhu cầu.

Theo THU HOÀI (TTXVN)