Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

11/05/2022 - 06:46

 - Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại An Giang đạt tỷ lệ khá cao. Đối với khâu làm đất, gần như cơ giới hóa hoàn toàn với 4.732 máy cày, máy xới các loại. Khâu gieo trồng có 1.998 dụng cụ sạ hàng kéo tay, 2 dụng cụ sạ hàng có động cơ và 18 máy cấy. Khâu chăm sóc có khoảng 5.237 máy bón phân, 15.586 máy phun thuốc có động cơ, nâng tỷ lệ nông dân bón phân và phun thuốc có sử dụng động cơ trên 90%.

Tại các huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú… hiện có 64 máy bay không người lái (drone), giúp tăng nhanh tốc độ phun thuốc và giảm nhân công. Đối với khâu thu hoạch và bảo quản, có 1.952 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 98% diện tích thu hoạch bằng máy và 1.069 lò sấy với công suất trung bình từ 20-45 tấn/mẻ, đáp ứng sấy khoảng 75% sản lượng lúa của tỉnh. Trước đây, nông dân trồng lúa phải mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để cày, xới đất, sạ lúa, phun xịt thuốc, thu hoạch, phơi lúa... bằng phương pháp thủ công truyền thống. hiện nay, tất cả công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa.

Ông Nguyễn Văn Kiệt (xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Bây giờ, nhờ có cơ giới hóa mà nông dân làm lúa không còn vất vả. Có máy cấy, máy xịt thuốc, máy gặt đập liên hợp… vào tận ruộng làm thay vừa nhanh, vừa hiệu quả. Không những vậy, chi phí giảm, năng suất lúa cao hơn, lợi nhuận cao hơn”. Vụ đông xuân 2021-2022, anh Nguyễn Ngọc Thành (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) không chỉ ứng dụng cơ giới hóa để sạ lúa bằng máy sạ, mà còn thực hiện được một lúc 3 công việc (vừa sạ lúa, vừa phun thuốc cỏ, vừa vùi phân) trên 1,5ha đất trồng lúa của gia đình bằng mô hình trình diễn “Bón vùi phân đầu trâu bằng máy sạ cụm 3 trong 1” (do Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú thực hiện).

Anh Thành chia sẻ: “Khi ứng dụng mô hình, tôi chỉ cần sử dụng 65kg lúa giống/ha (sản xuất truyền thống phải sử dụng 150kg lúa giống/ha), qua đó giảm hơn 50% lượng lúa giống trên cùng một diện tích. Đồng thời hạn chế được sâu bệnh, giúp giảm chi phí diệt cỏ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giúp cây lúa phát triển tốt, chồi phát triển mạnh, hạn chế đổ ngã”. Bên cạnh đó, một số địa phương triển khai mô hình phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, giúp giảm thất thoát 30% lượng thuốc, giảm nhân công lao động, giảm giá thành, tiết kiệm nước, hạn chế ô nhiễm môi trường. đặc biệt hơn, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe. Bình quân 1ha lúa, nếu nông dân vác bình phun xịt phải mất từ 2-3 giờ thì với máy bay không người lái, chỉ mất 8 phút là xong. Công nghệ phun ly tâm làm giọt nước xoáy tròn, giúp cho việc tiếp xúc sâu bệnh mặt dưới lá hiệu quả hơn, khả năng dập dịch nhanh. Máy bay không người lái giúp giảm tổn thất sản lượng lúa 150-200kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường.

Hiện nay, nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái đỡ vất vả hơn trước, nhờ đưa máy móc vào phục vụ làm đất, tưới nước, bón phân, phun thuốc, từng bước tự động hóa khâu tưới nước cho cây trồng bằng việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động và tưới thấm. Tại xã Vĩnh An (huyện Châu Thành), nông dân Trần Thanh Nhã đang trồng 30 công cam sành, quýt đường và quýt hồng. Anh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí nhân công do không phải thuê lao động tưới nước. Anh Nhã đầu tư hệ thống tưới phun giúp cây rửa được sương muối, phòng tránh tình trạng táp lá, cháy lá; luôn cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với diện tích cây đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, hệ thống tưới phun sương sẽ tránh được tình trạng rụng trái và nám trái, góp phần tăng năng suất và chất lượng trái.

Cũng giống như anh Nhã, nông dân Võ Văn Em (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên toàn bộ 10ha sầu riêng của mình. Đó là sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nước và các loại phân bón dạng nước (thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng) được đưa thẳng vào bộ rễ. Phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Mặt khác, trồng sầu riêng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt vừa nhẹ công chăm sóc, vừa tiết kiệm khoảng 50% chi phí và nhân công lao động.

Ngoài việc ứng dụng cơ giới hóa, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, như: nông dân Trần Công Nẻo (thị trấn An Phú, huyện An Phú), nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú)… còn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khi chế tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị rất hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp thay thế sức người. Họ tạo máy hút tạp chất bùn, máy xay nhuyễn cùi bắp, máy lột vỏ tách hạt bắp, máy tuốt đậu phộng, máy đánh rãnh cây mè, xe phun thuốc BVTV, máy bắt rầy, máy cắt cây đậu bắp… góp phần làm giảm nhân công lao động, chi phí, giá thành, rút ngắn thời gian, tăng hiệu suất và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Có thể thấy, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TRỌNG TÍN