Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển kinh tế - xã hội

06/01/2025 - 06:58

 - Tỉnh xác định phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân. Từ đó, An Giang đã tăng cường phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào trong sản xuất và đời sống, đạt nhiều kết quả.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tầng Phú An cho biết, năm 2024, tỉnh đã triển khai 72 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh ở nhiều lĩnh vực.

Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, có ứng dụng công nghệ tế bào thực vật nhân giống sản xuất một số loại hoa kiểng sạch bệnh có chất lượng cao: Cúc, dạ yến thảo, hoa chuông; cây ăn trái (chuối già)… góp phần nâng cao năng suất và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ vi sinh vật phân lập và xây dựng mô hình nhân giống nấm bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo..., với quy mô công nghiệp, công suất mỗi năm khoảng 600 tấn phôi giống thương phẩm và 100 tấn nấm tươi. Khảo nghiệm trên 22 giống lúa, đã tuyển chọn được ít nhất 2 giống lúa có triển vọng với năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cao hơn các giống khác. Hỗ trợ ứng dụng chế phẩm EMUNIV4 trong canh tác lúa (diện tích trên 320ha) tại Hợp tác xã nông nghiệp Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) và Tổ Hợp tác xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú); kết quả cho thấy, việc ứng dụng chế phẩm giúp giảm 20% chi phí so với ruộng lúa đối chứng. Hay nghiên cứu kỹ thuật sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa tăng năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ xoài thơm Vĩnh Hòa.

Trường đại học An Giang đã trồng thành công cây giọt băng có nguồn gốc từ Nhật Bản

Trong phòng trị bệnh cho cây trồng, đã sử dụng nấm Tricoderma, chế phẩm Pheromol, hệ thống thuốc sinh học để phòng trừ bệnh, duy trì lực lượng thiên địch trên cây màu được đẩy mạnh, góp phần giảm đầu tư, tăng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ, góp phần phát triển phương thức canh tác hữu cơ trên địa bàn. Ngoài ra, An Giang đã làm chủ công nghệ nuôi trồng nấm bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm.

Đối với nuôi trồng thủy sản, đã triển khai nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất cá heo, trèn bầu, chạch lấu, cá cóc… giúp chủ động được nguồn giống cung cấp cho người nuôi. Từ quy trình của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (thực hiện năm 2005), Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá cóc phù hợp với điều kiện hiện tại và phù hợp với địa phương, tỷ lệ sống của cá cóc giống đạt hiệu quả cao hơn so quy trình gốc giống, dao động 70,2 - 71,3%, kích cỡ đạt 2,66 - 2,9gr/con. Ngoài ra, thu thập, thuần dưỡng và chọn lọc 500 cá thể/quần thể lươn đồng hậu bị làm lươn bố mẹ và nuôi vỗ thành thục, cho sinh sản có nguồn gốc tự nhiên từ 4 vùng sinh thái (quần thể) khác nhau, gồm: Vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu.

Xây dựng quy trình ương cá tra trong hệ thống tuần hoàn quy mô hàng hóa với tỷ lệ sống đạt 50,15%, kết quả đề tài là cơ sở khoa học quan trọng để nâng cao chất lượng, tỷ lệ sống trong ương cá tra giống, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cá tra của tỉnh và ĐBSCL.

Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất vaccine phòng bệnh truyền nhiễm (sởi, rubella, viêm gan B, cúm, Covid-19…) đạt được những bước tiến vượt bậc. Tính đến tháng 10/2024, An Giang đã triển khai tiêm chủng cho 23.882 trẻ (phòng các bệnh truyền nhiễm: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản…). Ngoài ra, tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng và chỉ số bảo vệ uốn ván sơ sinh đạt 90,4%.

  Trong lĩnh vực môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải gây ô nhiễm ngay tại bãi rác, ao nuôi thủy sản, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải môi trường ao nuôi tôm, bãi rác, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong hoạt động thẩm định thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường).

Bên cạnh đó, tỉnh luôn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với những cam kết theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Năm 2024, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang đã làm việc với Công ty TNHH Vantech Vietnam để hợp tác triển khai dự án nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ bùn đáy ao; hợp tác với tổ chức JICA và Đại học Saga (Nhật Bản) tiếp nhận 1 tình nguyện viên Nhật Bản hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp trồng thử nghiệm cây giọt băng.

HẠNH CHÂU