Ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển bền vững

09/07/2020 - 04:31

 - An Giang là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Những năm qua, hoạt động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Ứng dụng khoa học – công nghệ để sản xuất sạch và tăng giá trị nông sản

Nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, thủy sản và du lịch thực sự trở thành thế mạnh của An Giang, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP và nâng cao đời sống nhân dân. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 tăng 7,02% so năm 2018, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỉnh thực hiện có hiệu quả mối liên kết phát triển giữa nông nghiệp - công nghiệp - du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.  

Giám đốc Sở KHCN Tầng Phú An, cho biết, trên lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất luôn được quan tâm đầu tư, như: nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng, cải tiến công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, thực phẩm.

Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu phục tráng, chọn tạo, bảo tồn các giống lúa (nhất là bộ giống đặc sản địa phương như: Nàng Nhen Thơm, Jasmine 85 Châu Phú, lúa thơm Bảy Núi, nếp Phú Tân, lúa mùa nổi); khôi phục các giống cây ăn trái như: xoài 3 màu, xoài thơm Vĩnh Hòa, xoài thanh ca đen, bơ núi Cấm, nhãn Mỹ Đức... và nghiên cứu nhân tạo các giống cá tra, cá heo, cá rô biển, cá sặc rằn, cá sửu, cá trèn bầu, cá rô phi...

Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp TX. Tân Châu và huyện Tịnh Biên; xây dựng mô hình Cánh đồng lớn 4H và Cánh đồng lớn cải tiến; mô hình nông nghiệp đô thị cho TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc.

Nhiều mô hình, dự án KHCN đã được đầu tư hỗ trợ nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa như: máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cuốn rơm; cơ giới hóa thu hoạch nông sản, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, đẩy mạnh khảo nghiệm, thử nghiệm công nhận giống quốc gia có tiềm năng phát triển ở An Giang...

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngành KHCN phối hợp các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng và ban hành 8 kế hoạch triển khai các quy hoạch về các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh tập trung xây dựng nông nghiệp An Giang gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể là có được cơ bản nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu và tính cạnh tranh cao.

Trên lĩnh vực du lịch, KHCN góp phần nghiên cứu khai thác tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng và xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch hiện có và tìm tòi, xác định các sản phẩm du lịch mới, các mô hình du lịch mới và xây dựng thương hiệu cho du lịch An Giang.

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng lao động, năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Ở lĩnh vực y tế, ứng dụng KHCN cao nhằm phát triển chuyên sâu và hiện đại các cơ sở chẩn đoán, khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực y tế và sản xuất dược phẩm; nâng cao chất lượng dân số, y tế dự phòng, công tác chăm sóc, điều trị, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành y tế tập trung ưu tiên cho 2 lĩnh vực mang tính đột phá là tim mạch và sản nhi; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, phát triển và chế biến dược liệu...

Giám đốc Sở KHCN Tầng Phú An cho biết, ngành KHCN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và phối hợp thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp An Giang, trong đó chú trọng ứng dụng KHCN làm khâu đột phá để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và chủ động hội nhập.

Chú trọng các chương trình KHCN trọng điểm, như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu ứng dụng và phát triển sinh học; nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển dược liệu và y học cổ truyền; nghiên cứu phát triển bền vững vùng sinh thái thuộc lưu vực sông Tiền - sông Hậu, vùng Bảy Núi và Tứ giác Long Xuyên trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình KHCN về định hướng nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang theo hướng là 1 trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

 

 

Liên kết hữu ích