Ứng phó với thiên tai theo cách của An Giang

16/08/2022 - 04:12

 - An Giang là tỉnh có địa thế rất đặc biệt, đồi núi xen lẫn đồng bằng. Các loại hình thiên tai cũng “xuất hiện phức tạp”, với nhiều mức độ khác nhau, cùng với biến đổi khí hậu khó lường, mỗi năm mỗi khác. Vì thế, tỉnh chủ động ứng phó theo tư duy khác biệt.

Các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Đầu tháng 8/2022, đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia, làm trưởng đoàn) đến kiểm tra tại An Giang. Thay mặt đoàn công tác, ông Tạ Quang Đông biểu dương tỉnh khi đứng thứ 8 cả nước, đứng thứ nhất ĐBSCL về thành tích phòng, chống thiên tai. An Giang đã làm được nhiều việc, từ ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo, chiến lược, nghị quyết của Trung ương; đưa ra 6 kịch bản ứng phó; hiệp đồng cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đạt và vượt các chỉ số thi đua; tuyên truyền trên mạng xã hội… mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ rõ hơn tình hình của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin, trong các loại hình thiên tai thường xảy ra ở tỉnh thì xói lở, sạt lở bờ sông có tần suất cao, hầu như năm nào cũng có (khoảng 52 điểm có nguy cơ trong toàn tỉnh). Thứ hai là lũ lớn. Trước đây, bình quân 5 năm xuất hiện lũ lớn ở mức báo động 3, ảnh hưởng 80% địa bàn toàn tỉnh (trừ vùng đồi núi huyện Tri Tôn, Tịnh Biên). Khoảng 20 năm gần đây, khi nhiều đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn, tần suất lũ lớn giãn ra, từ 7-10 năm mới có. Còn lại, lũ rơi vào mức báo động 1, 2, ảnh hưởng các địa phương tiếp giáp Campuchia. Hạn hán và xâm nhập mặn chỉ xảy ra ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (15% tổng diện tích toàn tỉnh), gây thiếu nước ngọt sinh hoạt, chăn nuôi, ảnh hưởng đến phòng, chống cháy rừng và canh tác. Giông, lốc xoáy xảy ra thường xuyên, nhưng mức độ thiệt hại chỉ cục bộ.

“Với đặc thù như vậy, tỉnh thực hiện 5 nhiệm vụ lớn. Đầu tiên, phối hợp các nhà khoa học quy hoạch phân vùng rủi ro thiên tai; bố trí hệ thống quan trắc cảnh báo; khảo sát vùng có nguy cơ cao, cảnh báo sớm cho người dân để có động thái khắc phục kịp thời. Nếu sạt lở rơi vào khu vực quốc phòng - an ninh, đô thị lớn, tỉnh xây dựng dự án gia cố kè bảo vệ, sử dụng vốn ODA, ngân sách Trung ương, tỉnh. Đến nay, những điểm nóng, nghiêm trọng cơ bản được khắc phục. Nếu rơi vào vùng nông thôn, nông nghiệp, mức độ thiệt hại kinh tế không lớn, tỉnh bố trí di dời người dân ra khỏi khu vực, lồng ghép vào chương trình nhà ở cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Số còn lại, địa phương đang tiếp tục đề xuất Trung ương bố trí di dời người dân ra khỏi vùng xói lở bờ sông. So với phương án xây dựng kè thì việc di dời người dân khả thi hơn, ít tốn chi phí hơn” - ông Trần Anh Thư bày tỏ.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh xây dựng phương án cao hơn 1 cấp độ rủi ro so với dự báo của Trung ương. Ông Trần Anh Thư phân tích: “Theo cách làm này, khi tình hình diễn biến bất ngờ thì công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Giả sử không xảy ra, chúng ta không sao cả, như 1 đợt diễn tập. Về xây dựng phương án các loại hình thiên tai, quan điểm của tỉnh khác với nhiều nơi: “Cộng đồng tự bảo vệ là chính”. Người dân không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, mà phải có ý thức chung tay với nhà nước, như được hướng dẫn xây dựng điểm giữ trẻ trong mùa lũ, bố trí đưa rước học sinh đi học, nhận biết dấu hiệu dòng chảy… Nắm được kiến thức cơ bản, người dân thông tin lại cho địa phương khi có dấu hiệu bất thường (xuất hiện khe nứt, dòng chảy khác thường…). Nhờ vậy, từ năm 1992 đến nay, tỉnh chưa xảy ra trường hợp chết người do sự cố xói lở, sạt lở bờ sông. Nơi nào người dân chủ quan thì thiệt hại về tài sản mới xảy ra”. 

Ngoài ra, tỉnh còn làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn để, phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; phát huy hiệu quả nhiều công trình kiểm soát lũ, như dự án Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao; phổ cập bơi cho trẻ em từ thực tiễn địa phương. Những sáng kiến, cách xây dựng phương án khác nhau ấy đều cùng hướng đến mục đích duy nhất: Phòng, chống thiên tai từ sớm, đạt hiệu quả tối ưu. Chính điều này tạo nên ấn tượng về một An Giang kiên cường, linh hoạt.

An Giang cũng kiến nghị đoàn công tác ghi nhận, kiến nghị bộ, ngành có liên quan xem xét, tham mưu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý công trình phòng, chống thiên tai. Hiện nay, 20.000 hộ dân của tỉnh đang chờ bố trí nhà ở ra khỏi vùng thiên tai. An Giang đề xuất cơ chế xã hội hóa cho doanh nghiệp vào đầu tư, được khai thác nền thương mại, vừa giảm áp lực cho nhà nước, vừa tăng tính chủ động cho tỉnh, không trông chờ nguồn kinh phí Trung ương.

“Trung ương cần sớm rà soát điều chỉnh, bổ sung nâng mức hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục hỗ trợ địa phương nguồn vốn trung hạn và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm, để thực hiện các dự án cấp bách phòng, chống thiên tai, sạt lở…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị.

“Chuẩn bị vào mùa mưa bão, nên khi có kế hoạch, phương án rồi thì An Giang phải tăng cường tập huấn cho cán bộ phụ trách phòng, chống thiên tai và lực lượng xung kích. Chú trọng nhận định thêm một số loại hình thiên tai mới, như: Hạn hán, sét đánh… ở từng vùng, để có phương án phòng, chống hiệu quả. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân sự ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai từ tỉnh đến xã một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, mô hình dự báo thời tiết, biểu đồ ứng phó kịp thời theo từng cấp” - ông Tạ Quang Đông đề nghị.

7 tháng đầu năm 2022, ước thiệt hại do thiên tai ở An Giang gần 7 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 24 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, chiều dài 1.078m, ảnh hưởng 17 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Đồng thời, xảy ra 31 vụ mưa, giông lốc làm thiệt hạt 337 căn nhà, gần 200ha lúa, hoa màu.

GIA KHÁNH