Vai trò của thừa phát lại

27/01/2022 - 05:50

 - Thực tiễn xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp vừa qua bước đầu đem lại kết quả đáng ghi nhận, không chỉ đảm bảo lợi ích thiết thực, hợp pháp cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, có vai trò của tổ chức thừa phát lại.

Xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp (công chứng, luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại…) nhằm lành mạnh hóa quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân, cơ quan nhà nước. Đây cũng là chủ trương của tỉnh An Giang.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 tổ chức hành nghề công chứng (2 phòng công chứng, 20 văn phòng công chứng) với 43 công chứng viên. Năm 2021, các đơn vị công chứng 97.541 vụ việc; chứng thực 109.276 bản sao, 8.215 chữ ký; thu phí hàng trăm tỷ, thù lao công chứng khoảng 5 tỷ đồng, nộp thuế trên 4 tỷ đồng. Hành nghề luật sư hiện có 44 tổ chức (7 công ty luật, 37 văn phòng luật sư) với 89 luật sư đang hoạt động. Hành nghề với tư cách cá nhân, trong năm, luật sư thực hiện 528 vụ việc, thù lao gần 2 tỷ đồng, nộp thuế trên 170 triệu đồng.

Trong “bộ máy” bổ trợ tư pháp, hoạt động thừa phát lại dù phát triển gần đây nhưng bước đầu được người dân đón nhận, tin tưởng, nhà nước ghi nhận, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công dân và nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 5 văn phòng thừa phát lại. Năm 2021, các tổ chức tống đạt 61.373 văn bản các loại, lập 72 vi bằng, doanh thu gần 3,5 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 24-2-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 330/QĐ-UBND  phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trao quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại huyện Thoại Sơn

Đề án dựa vào các tiêu chí quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, giao Sở Tư pháp khảo sát, lấy ý kiến và thẩm định Đề án thành lập văn phòng thừa phát lại trình UBND tỉnh An Giang phê duyệt. Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh thành lập 8 văn phòng thừa phát lại ở 8 huyện, thị xã, gồm: Tân Châu, Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Phú Tân. Trường hợp kết thúc giai đoạn đầu chưa phát triển đủ số lượng theo lộ trình, sẽ cho phép thành lập trong giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025 và dựa vào nhu cầu thực tế của xã hội, tỉnh sẽ quyết định mục tiêu cho giai đoạn 2025-2030.

Thực tiễn gần đây cho thấy, người dân thay đổi cách nhìn và tin tưởng hơn đối với các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân, luật sư, thừa phát lại… Ông Lê Văn Nghĩa (ngụ ấp Hòa Long 3, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) cho biết: “Tôi đến Văn phòng Thừa phát lại TP. Long Xuyên thực hiện một số thủ tục liên quan đến tặng cho tài sản, rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các nhân viên làm việc rất chuyên nghiệp, hướng dẫn tận tình. Cảm thấy thuận tiện, người dân sẽ không còn e ngại tâm lý khi đến cơ quan nhà nước hoặc phân biệt cơ quan nhà nước hay tư nhân như trước đây”.

Bà Nguyễn Thị Minh Loan (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại huyện Thoại Sơn) cho biết: “Tới đây, qua yêu cầu của cá nhân, tổ chức, văn phòng thực hiện việc xác lập chứng cứ qua vi bằng (văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác); giao nhận tiền, tài sản, giấy tờ, hiện trạng nhà, đất, công trình, tình trạng tài sản; xác nhận các giao dịch không thuộc thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng và những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND; tống đạt, giao nhận các văn bản của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và lập vi bằng ghi nhận sự việc tống đạt của tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu; xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản thi hành án; thi hành án, thu hồi nợ theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân và tư vấn pháp luật”.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp An Giang Trần Khánh Dân cho biết, thừa phát lại là chế định pháp luật mới, còn mới trong nhận thức của người dân, người thừa hành công việc và một số bộ phận có liên quan. Mô hình bổ trợ tư pháp này vừa qua đã “chia lửa” cho cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước. Hoạt động thừa phát lại cần triển khai, thực hiện chắc chắn, nhất là trong trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Bởi lẽ, văn phòng thừa phát lại chưa có đủ lực lượng, quan hệ, chế tài như cơ quan Thi hành án dân sự, nên phải thận trọng, nếu không muốn vướng vào rắc rối. Do đó, tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng đối với các thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại”.

 Bài, ảnh: N.R