Vấn đề hút thuốc lá ở tuổi thanh, thiếu niên

26/04/2022 - 18:43

 - Thuốc lá không chỉ tác động đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của thanh, thiếu niên. Khi hút thuốc, khói thuốc hít vào sẽ đưa các chất độc hại theo đường hô hấp vào bên trong cơ thể. Các chất này sẽ tích tụ, phá hủy dần các tế bào, gây nên những bệnh nguy hiểm về hô hấp, tim mạch, gây ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Ở tuổi thanh, thiếu niên, cơ thể đang phát triển, không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá, nên dễ bị chất độc tàn phá.

Hiện nay, nhiều thanh, thiếu niên có sở thích hút thuốc lá từ rất sớm. Không khó bắt gặp hình ảnh các em phì phèo điếu thuốc trong các tiệm internet, quán trà đá vỉa hè, cà-phê. Trong số đó có cả học sinh THCS, THPT, thậm chí còn có cả nữ sinh. Theo nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh, thiếu niên của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm này đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ: Có tới 21% nam thanh niên từ 16-24 tuổi hút thuốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số do sự hiểu biết cụ thể về tác hại thuốc lá ở lứa tuổi này còn hạn chế. Một số thanh, thiếu niên hiện nay coi điếu thuốc đương nhiên là lời mời xã giao trong lần gặp gỡ hay giao lưu. Một số nguyên nhân khác được cho là khá phổ biến là để giải trí, đỡ buồn ngũ, giảm căng thẳng; học đòi theo phim ảnh hay để khẳng định bản thân nên tập tành hút thử rồi thành thói quen. Mặt khác, ngành công nghiệp thuốc lá đang tấn công giới trẻ bằng sản phẩm thuốc lá điện tử có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều hương vị, giá rẻ. Với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người khác.

Thanh, thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng và trưởng thành về tâm - sinh lý, nhân cách. Lứa tuổi này còn chịu tác động của hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, sự giáo dục của nhà trường. Ngoài việc đang ở thời kỳ định hướng nhân cách để hoàn thiện bản thân; ở lứa tuổi này còn chịu tác động của bạn bè, các mối quan hệ phức tạp của điều kiện sống, lối sống, văn hóa, giao tiếp và quen hệ  cộng đồng. Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp được hấp thụ thì lối sống đua đòi, buông thả, cũng như các tệ nạn khác cũng có thể tác động đến nhận thức dần trở thành thói quen, trong đó có việc hút thuốc lá. Thuốc lá đang từng ngày gây nguy hại đến sức khỏe của chính người hút và cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc. Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả công việc, giảm sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ. Do đó, việc phòng, chống hút thuốc lá là vấn đề đang được xã hội quan tâm hiện nay. Trong đó, đối tượng cần được quan tâm nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng.

Để đẩy lùi tình trạng thanh, thiếu niên hút thuốc lá, cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các gia đình, nhà trường cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá tới học sinh, sinh viên thông qua các diễn đàn, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, thu hút các em tham gia để mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, chính phụ huynh và giáo viên cũng phải là những người gương mẫu chấp hành quy định về không hút thuốc lá để làm gương cho các em.  

Nguyễn Minh Thời (Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên)