Vấn nạn… đốt vàng mã

07/03/2023 - 04:19

 - Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, hoạt động đốt vàng mã ngày càng bị lạm dụng nên cần phải hạn chế. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc về ý thức của mỗi người, nên hiệu quả tuyên truyền đôi lúc không như mong đợi.

Là tỉnh có thế mạnh du lịch (DL) tâm linh, An Giang sở hữu nhiều điểm thờ cúng thu hút rất đông du khách. Do đó, hiện tượng đốt vàng mã xuất hiện ở các điểm thờ cúng không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã vô tội vạ đang trở thành vấn nạn mà ngành chuyên môn và đơn vị quản lý các điểm DL tâm linh phải quan tâm, kiểm soát.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) đón rất đông du khách trong những ngày cuối tuần. Dòng người từ khắp nơi đổ về đây với mong muốn thắp nén hương, trình lễ vật để nguyện cầu Chúa xứ Thánh Mẫu phù hộ cho công việc làm ăn thuận lợi, gia đạo an vui.

Bên cạnh những lễ vật hiện hữu, như: Áo bà, hoa tươi, heo quay, trái cây… người ta còn bày những mâm vàng mã để dâng lên Bà. Tất nhiên, việc này không ai cấm, bởi nó là nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là một phần trong nghi thức mỗi khi du khách đến viếng các bậc siêu nhiên.

Bà Đặng Thị Sen (du khách đến từ tỉnh Phú Yên) không ngần ngại chia sẻ về thói quen của mình. Bà Sen cho biết: “Ngoài lễ vật, tôi cũng muốn đốt một ít vàng mã để dâng lên Bà. Tôi mong Thánh Mẫu sẽ chứng minh lòng thành của mình để phù hộ cho gia đạo yên ấm, công việc làm ăn của các con suôn sẻ. Cúng lễ vật mà không đốt chút vàng mã, tôi thấy thiếu cái gì đó”.

Khu vực đốt vàng mã tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được bố trí xa chánh điện

 Đa số du khách đều mang tâm lý như bà Sen, bởi tập tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều thế hệ người Việt. Suy cho cùng, đó là một sự “đảm bảo” về niềm tin về việc thánh thần sẽ “chiếu cố” đến lời khấn cầu của họ. Về góc nhìn xã hội, đốt vàng mã quá đà sẽ gây phản cảm. Một mặt, nó thể hiện sự tham lam, “hối lộ” của người đốt đối với thánh thần.

Mặt khác, đó là sự lãng phí không cần thiết, bởi người ta phải dùng tiền thật để mua… tiền giả, rồi đem đi đốt. Chưa kể, mức giá vàng mã sẽ do… người bán quyết định, vì họ sẽ “nhìn mặt khách hàng mà bán”. Khách sang thì giá sẽ khác nhưng rẻ đến mấy cũng 40.000 - 50.000 đồng/bộ.

Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan thông tin: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách về việc không nên đốt vàng mã khi đến viếng Bà nhiều năm nay. Công tác này mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề tâm linh nên còn phụ thuộc vào quan điểm của du khách.

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên phát loa truyền thanh kêu gọi du khách giữ gìn tài sản cá nhân và nhấn mạnh việc hạn chế đốt vàng mã để tránh lãng phí. Ngoài ra, còn dán rất nhiều khẩu hiệu kêu gọi du khách không đốt vàng mã, không đốt nhang đèn quá mức khi đến viếng Bà trong khu vực chánh điện”.

Nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc đốt vàng mã đối với sức khỏe của du khách, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam bố trí riêng khu vực đốt vàng mã ở xa chánh điện, với 2 lò hóa sớ được thiết kế hiện đại, hạn chế khói bụi tản ra xung quanh. So với 2 lò đốt truyền thống trước đây, biện pháp này sẽ giúp bảo vệ môi trường và tính tôn nghiêm trong khu vực sân miếu Bà.

“Chúng tôi đang tìm biện pháp để tiếp tục hạn chế khói bụi tản ra xung quanh đến mức thấp nhất. Đẩy mạnh tuyên truyền để du khách nâng cao ý thức, hạn chế đốt vàng mã. Với hiện tượng đốt nhang đèn trong khu vực chánh điện, cũng phải tuyên truyền liên tục. Vì số lượng du khách đến đông, việc thắp nhiều nhang đèn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Chúng tôi bố trí nhân viên liên tục dọn dẹp, để có chỗ cho những du khách tiếp theo cúng bái” - ông Nguyễn Phúc Hoan cho hay.

Thực tế, việc đốt vàng mã không chỉ diễn ra ở miếu Bà Chúa xứ núi Sam mà rất nhiều các điểm thờ cúng tâm linh liên quan đến những bậc thánh, thần trên toàn tỉnh cũng có hiện tượng này. Đáng lo ở chỗ, những điểm thờ cúng này nằm trên núi cao, lẫn khuất. Khách hành hương đến đó cúng bái và đốt nhang đèn, vàng mã sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc Chau Si Na cho biết: “Chúng tôi gắn nhiều bảng tuyên truyền du khách không đốt vàng mã khi đến những điểm thờ cúng tâm linh trên núi. Do mùa hành hương trùng với mùa khô hàng năm nên các cánh rừng trên núi rất dễ bắt lửa. Nếu bất cẩn, sẽ gây ra đám cháy lớn. Không đợi đến việc đốt vàng mã, trong quá trình đi hành hương, du khách chỉ cần vứt một tàn thuốc lá nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả lớn. Vì vậy, mọi người không nên đốt vàng mã khi đi hành hương trên núi”.

Sẽ rất khó để dẹp hẳn tục đốt vàng mã. Tuy nhiên, mỗi người cần nâng cao ý thức và hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng này, khi đến các điểm thờ cúng tâm linh. Mỗi người hãy thể hiện trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian, cũng như tuyên truyền cho người khác hạn chế đốt vàng mã khi đến các cơ sở thờ tự để tránh lãng phí và thể hiện nếp sống văn minh.

MINH QUÂN